Hàng chục triệu người phải mua đường với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi giá thế giới; hàng triệu người trồng mía thua lỗ, nghèo khổ và ngành công nghiệp mía đường lạc hậu... là kết quả của hàng chục năm ngành này được bảo hộ. Đây cũng là kết quả của nhiều ngành đã và vẫn đang được bảo hộ.
Vậy thì ai mới là đối tượng được hưởng lợi chính sách bảo hộ này?
Bức tranh của ngành mía đường đối với rất nhiều người là tình trạng thừa đường, nông dân chặt bỏ mía; đường nội giá cao nên đường lậu hoành hành... Nhưng ít ai biết rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành này luôn đứng đầu bảng những ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Cụ thể, năm 2011, nhiều DN ngành này than khó, kiến nghị ngưng cho nhập khẩu đường, yêu cầu được hỗ trợ lãi suất...
Các kiến nghị trên đã được đáp ứng và kết quả là họ lãi lớn. Số liệu được công bố của 6 DN niêm yết cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ thấp nhất đạt xấp xỉ 40% và cao nhất lên tới gần 71%. Liên tục các năm sau đó, cứ đến hẹn lại thấy DN đường than khó, than khổ để “vòi” thêm các yêu sách. Nhưng bất chấp giá mía thấp hay cao, những "ông lớn" trong ngành mía đường đều lãi lớn. Điều này có thể kiểm tra dễ dàng trong báo cáo tài chính của các DN niêm yết. Ngược lại, nông dân trồng mía thì nghèo vẫn hoàn nghèo, người tiêu dùng và các DN phải mua đường với giá cao bất hợp lý.
Chúng ta đều biết, đường là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nên giá thành của ngành này cũng bị ảnh hưởng và người gánh cuối cùng vẫn là người tiêu dùng trong nước, giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập cũng như khi xuất khẩu. Điều này cũng xảy ra đối với muối. Được bảo hộ bởi hạn ngạch nhập khẩu nên các DN sản xuất và kinh doanh muối luôn ung dung, tự tại. Mất mùa, thiếu muối hay muối không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì nhập khẩu; được mùa thì ép giá. Hàng vạn diêm dân bán mặt cho biển bao năm khổ vẫn hoàn khổ còn DN vẫn sống khỏe. Vì vậy, họ chẳng việc gì phải lo đầu tư, nâng cao chất lượng hạt muối Việt.
Câu hỏi ai được lợi bảo hộ quá rõ ràng và đã được nói rất nhiều năm qua nhưng lần này, nó được một lãnh đạo của Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú phân tích rất rõ ràng và thẳng thắn trong một bài công bố trên cổng thông tin của bộ này cuối tuần qua. Thứ trưởng cũng khẳng định các DN ngành đường nói riêng và cộng đồng DN nói chung chỉ có một con đường “đổi mới hay là thất bại trong hội nhập” và theo lộ trình thì 3 năm nữa, đến năm 2018 VN phải xóa bỏ bảo hộ đối với đường cũng như nhiều mặt hàng khác theo cam kết Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhưng với tư duy "tận thu từ chính sách bảo hộ" như lâu nay, chẳng có nhiều hy vọng về việc này.
Vậy thì trước mắt, đừng nghe những lời kêu than, đòi hỏi hỗ trợ cứ đến hẹn lại lên của các ngành này. Thay vào đó, hãy để người tiêu dùng được sử dụng đường nhập khẩu giá rẻ như lẽ ra họ được hưởng từ lâu.
Bình luận (0)