Dân chủ, công khai, minh bạch để tìm ra đội ngũ lãnh đạo xứng đáng

09/05/2015 07:00 GMT+7

Hội nghị T.Ư 4 đã chỉ ra sự suy thoái trong Đảng, độ phức tạp, tinh vi của những người muốn có chức có quyền để có tiền và từ đó lại tiếp tục có chức có quyền. Trong bối cảnh ấy chỉ có thể bằng biện pháp dân chủ, công khai, minh bạch mới tìm ra được đội ngũ lãnh đạo xứng đáng.

Hội nghị T.Ư 4 đã chỉ ra sự suy thoái trong Đảng, độ phức tạp, tinh vi của những người muốn có chức có quyền để có tiền và từ đó lại tiếp tục có chức có quyền. Trong bối cảnh ấy chỉ có thể bằng biện pháp dân chủ, công khai, minh bạch mới tìm ra được đội ngũ lãnh đạo xứng đáng.

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 QH khóa 13
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 QH khóa 13 – Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là quan điểm của ông Vũ Quốc Hùng (ảnh), nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư chia sẻ với Thanh Niên về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Không nên vì cơ cấu mà chiếu cố
* Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 BCH T.Ư khóa 11 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu
       
ra vấn đề về tiêu chuẩn Ủy viên BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó nhấn mạnh tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ... Tổng bí thư cũng khẳng định kiên quyết không để lọt vào BCH T.Ư những người tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm... có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc... Ông nhìn nhận như thế nào về những tiêu chuẩn được đặt ra lần này?
- Tôi thấy rằng đó là những điều rất cơ bản và quan trọng, là những tiêu chuẩn toàn diện, là sự đòi hỏi về phẩm chất, tư cách, đạo đức, năng lực của những đồng chí tới đây tham gia vào các cơ quan lãnh đạo tối cao từ BCH T.Ư trở lên. Điều đáng chú ý là trong những tiêu chuẩn này có những nét mới được nhấn mạnh, nói kỹ hơn. Ngoài yêu cầu số một là phẩm chất chính trị là các tiêu chuẩn “không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực…”. Có thể thấy các tiêu chuẩn đặt ra để làm thế nào những yếu kém đã được Hội nghị T.Ư 4 (khóa 11) chỉ ra được soi chiếu vào việc lựa chọn cán bộ cấp cao. Cho nên có thể nói, việc đặt ra vấn đề như thế tôi rất đồng tình.
Vấn đề hiện nay mà đảng viên, nhân dân mong mỏi là làm thế nào chiếu vào những tiêu chuẩn ấy để chọn ra được hiền tài và không để xảy ra tình trạng có những “đồng chí chưa bị lộ” lọt vào cơ quan lãnh đạo. Mong mỏi của đảng viên, nhân dân trong đó có các cán bộ hưu trí chúng tôi là làm thế nào các cấp ủy Đảng, đặc biệt là BCH T.Ư khóa 11 làm hết trách nhiệm của mình để thực hiện được sứ mệnh. Tức là chuẩn bị được một BCH T.Ư mới, gồm những người ưu tú giới thiệu cho đại hội tới.
* Để chọn được cán bộ với những tiêu chí như Tổng bí thư nhấn mạnh, theo ông việc lựa chọn, bầu nhân sự cho Đại hội 12 cần phải được thực hiện theo cách thức nào? Có nên đề cao tiêu chuẩn cán bộ hơn là nặng về cơ cấu hay không?
- Giữa tiêu chuẩn và cơ cấu bao giờ cũng phải cần được quan tâm hài hòa như địa phương, tuổi tác, lĩnh vực, giới tính... Nhưng tôi nghĩ phải đặt tiêu chuẩn là số 1. Không nên vì cơ cấu mà chiếu cố. Tới đây để làm được như Tổng bí thư nêu ở Hội nghị T.Ư 11 thì các cơ quan T.Ư, các đồng chí ủy viên T.Ư phải làm việc hết sức trách nhiệm; phải sát tình hình thực tế, sát dân để nghe được các ý kiến đa chiều, trên cơ sở đó giới thiệu được những người thật tiêu biểu và quan trọng nhất là có phẩm chất.
Bên cạnh đó cần quan tâm việc trẻ hóa. Người trẻ có thể chưa có độ dày kinh nghiệm, chưa có những “chiến công”, nhưng phải là những người có phẩm chất, bằng những hành động phải thể hiện là người “yêu nước, thương dân”. Đó là vấn đề cốt lõi.
Chúng ta cũng cần mạnh dạn hướng tới trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Vì vấn đề đặt ra cũng không xa lạ gì trong đời sống của Đảng từ trước đến nay. Cho nên tôi nghĩ lần này cũng nên quan tâm vấn đề trẻ hóa BCH T.Ư.
Còn điều mọi người băn khoăn là có tiêu chí, tiêu chuẩn rồi, làm thế nào lựa chọn được đúng người thì đó là trách nhiệm các đồng chí lãnh đạo, trách nhiệm các cơ quan chức năng. Tôi cho rằng nếu sát dân, biết hỏi dân, nghe dân thì sẽ phát hiện những người hiền tài thực sự.
* Trước nay việc lựa chọn nhân sự cho các kỳ Đại hội Đảng thường lấy nguồn từ quy hoạch. Có ý kiến cho rằng, nếu không có cách làm dân chủ, đổi mới, công khai bằng việc chọn nhiều ứng viên cho đại hội bầu, dễ dẫn tới việc “sắp đặt” trong công tác nhân sự, khó lựa chọn người tài thông qua tranh cử, tự ứng cử và bầu có số dư?
- Đào tạo chuẩn bị cho “các thế hệ cách mạng đời sau”, như trong di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, là một nhiệm vụ rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong “các thế hệ cách mạng đời sau” thì những người lãnh đạo cách mạng lại càng quan trọng nên việc quy hoạch đặt ra là tốt và cần thiết. Mỗi ban lãnh đạo đương thời đều cần phải có tầm nhìn và chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng, thử thách những cán bộ trẻ để họ tiếp nối làm lãnh đạo trong nhiệm kỳ sau.
Nhưng vấn đề là việc quy hoạch phải khách quan, vô tư, trong sáng. Khách quan, vô tư, trong sáng chính là chọn được những cán bộ để đào tạo, rèn luyện đạt được những tiêu chí như Tổng bí thư đã nêu ra. Quy hoạch là việc làm tốt nhưng không nên ỷ thế và không nên hạn chế là chỉ nhằm vào cán bộ được quy hoạch. Các cơ quan chức năng mà trực tiếp là BCH T.Ư cũng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần soi xét những người nằm trong quy hoạch có thực sự xứng đáng không? Việc này phải rất khách quan. Nếu thấy những người ngoài quy hoạch mà xứng đáng thì vẫn nên đưa vào.
Không để công tác nhân sự như một “bí mật bất ngờ”
* Là người từng có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm tra của Đảng, chắc ông cũng biết rõ mặc dù quy trình lựa chọn cán bộ lãnh đạo có vẻ rất chặt chẽ nhưng khi các vụ việc tham nhũng bị phát hiện thì chúng ta mới thấy có nhiều vấn đề. Theo ông, việc đánh giá, lựa chọn, giám sát cán bộ thế nào để hạn chế việc đưa vào đội ngũ lãnh đạo những người không đủ năng lực, phẩm chất?
- Để không bị “nhầm” khi lựa chọn cán bộ trở thành lãnh đạo phải có quy trình hỏi dân. Hỏi dân thì cũng phải như Đại biểu Quốc hội. Lựa chọn người lãnh đạo xứng đáng thì không thể không hỏi dân.
Hỏi thế nào? Hỏi bằng phương pháp dân chủ, công khai, minh bạch. Không thể coi công tác nhân sự như là việc của một nhóm người. Không để công tác nhân sự như một “bí mật bất ngờ”. Hội nghị T.Ư 4 đã chỉ ra sự suy thoái trong Đảng, độ phức tạp, tinh vi của những người muốn có chức có quyền để có tiền và từ đó lại tiếp tục có chức có quyền. Những người đó không tiêu biểu cho ý chí của nhân dân, ý chí của dân tộc. Trong bối cảnh ấy chỉ có thể bằng biện pháp dân chủ, công khai, minh bạch mới lựa chọn được lãnh đạo xứng đáng. Dân chủ, công khai, minh bạch, như thế nào thì các cơ quan chức năng sẽ tìm ra cách thức. Tôi nghĩ điều đó không khó. Điều quan trọng là dân chủ, công khai thật sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.