Sáng 10.8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, điều hành nội dung phiên chất vấn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn ngày 10.8 |
tp |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu thực trạng vừa qua tình hình tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Có thực trạng bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên nhà, đất để thế chấp, cầm cố. Khi người đi vay không trả được nợ do lãi mẹ đẻ lãi con thì chúng sang nhượng nhà, đất đó cho người khác. Cơ quan chức năng khó trong thu thập chứng cứ xử lý. "Bộ Công an có giải pháp gì?", ĐB Nhi đặt câu hỏi.
Bà Yến Nhi cũng gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đề nghị cho biết khi người dân vay ở các ngân hàng, đến kỳ đáo hạn thì phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất cao để trả ngân hàng, làm thủ tục vay lại. "Thống đốc có biết tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến ngoài xã hội hay không và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?".
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời, vừa qua NHNN ban hành đồng bộ quy định các tổ chức tín dụng (TCTD) cho khách hàng vay vốn, trong đó có điều kiện vay vốn, mục đích vay và khả năng trả nợ. Các TCTD và khách hàng thỏa thuận với nhau về thời hạn trả nợ, khi vay khách hàng dự liệu khả năng, thời gian trả nợ.
Thực tế, theo Thống đốc NHNN, trong quá trình vay vốn, vì lý do nào đó khách hàng không trả được nợ, khi đó khách hàng đề nghị TCTD cho phép gia hạn nợ. Nếu khách hàng có đơn đề nghị cũng như chứng minh được khả năng trả nợ theo thời hạn mới thì sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trường hợp khách hàng không đề nghị gia hạn nợ mà có thể đi vay mượn tiền từ người thân và gia đình, có thể cũng vay từ nguồn "tín dụng đen" thì trên thực tế các tổ chức tín dụng cũng khó có thể biết được tiền đó từ đâu để khách hàng trả nợ.
“Trong thời gian vừa qua, với hệ thống mạng lưới đa dạng các chi nhánh, không chỉ ngân hàng mà công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô cũng đã có ở khắp toàn quốc khi có nhu cầu vay vốn thì người dân nên tiếp cận vay vốn từ kênh chính thức”, bà Hồng khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận tín dụng đen rất phức tạp. Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế, đẩy lùi, nhưng tình trạng vẫn tiềm ẩn phức tạp, như việc các đối tượng lợi dụng cho vay qua internet, qua app, hoạt động với quy mô lớn và có sự tham gia của người nước ngoài. Quy mô của hoạt động "tín dụng đen" cũng rất lớn với hàng trăm nghìn khách hàng với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Thực tế, khách hàng cũng chỉ nhận được 60% số tiền vay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn ngày 10.8 |
tn |
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm :tín dụng đen"; phát huy sức mạnh các cấp, ngành để trấn áp; nâng cao ý thức, cảnh giác của người dân; phối hợp với ngân hàng để giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay "tín dụng đen".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" bởi phần lớn các tổ chức này đều có quan hệ với tội phạm hình sự", ông Tô Lâm nói, cho biết ngành công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức.
Bình luận (0)