|
Thảo luận lần cuối về dự luật Đất đai (sửa đổi) tại nghị trường chiều qua 22.11, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng dự luật lần này đã có bước tiến bộ đáng kể về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhưng cần bổ sung quy định mức độ đồng thuận của người dân được xin ý kiến tối thiểu cần phải đạt tỷ lệ từ 70 - 80% thì bản quy hoạch, kế hoạch mới có giá trị pháp lý, đây là một nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ công khai theo quy định tại khoản 6, điều 35 dự thảo.
“Dân không biết nhưng kẻ đầu cơ biết”
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị bổ sung vào điều 49, khoản 1 vai trò, trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã trong việc lấy ý kiến toàn dân tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo ông Phương, nếu người dân biết được quy hoạch có thể tránh được những thiệt hại. “Như thời gian qua, dân không biết quy hoạch nhưng cò đất biết, kẻ đầu cơ biết cho nên lợi dụng mua rẻ, bán đắt, thu lợi nhuận, còn người dân thiệt thòi. Một số trường hợp khác người dân không biết quy hoạch nên mua phải đất quy hoạch, không làm được nhà hoặc mua phải đất không nằm trong quy hoạch, cuối cùng xây dựng nhà bất hợp pháp, buộc phải tháo dỡ”, ông Phương dẫn chứng.
Về nội dung này, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) góp ý thêm: Việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải cụ thể, rõ ràng hơn, nhất là nội dung cần lấy ý kiến. Các ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp làm thành báo cáo tiếp thu, giải trình trước Hội đồng thẩm định; phải trình ra kỳ họp HĐND quyết định về diện tích quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án, các công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất cũng như thực hiện hằng năm trên địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện nhằm hạn chế quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quá dư thừa so với yêu cầu hay nói cách khác là quy hoạch dự trữ, người dân thì nói rằng quy hoạch treo, dự án treo.
Bổ sung “cơ chế tham mưu thu hồi đất”
Trước đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng dự thảo “nguyên tắc giá đất do nhà nước quy định phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” vẫn chưa đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch, vì giá đất trên thị trường không ổn định, luôn thay đổi, thậm chí có thời điểm giá đất thay đổi từng ngày. Ông Nghĩa đề nghị, cần quy định ngay trong luật trường hợp giá đất trên thị trường biến động bao nhiêu phần trăm thì được phép điều chỉnh khung giá đất, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án TAND tối cao, nhìn nhận chính sách 2 giá đất cũng như việc định giá đất không thật đúng đắn, khách quan, sợ công khai, minh bạch, công bằng là nguyên nhân làm phát sinh đầu cơ đất, phát sinh những vụ việc tiêu cực tham nhũng trong thời gian qua. Tạo điều kiện cho một số người làm giàu bất chính trên đất thuộc sở hữu của toàn dân. Ông kiến nghị cần bổ sung vào mục 1, chương VI một điều về cơ chế tham mưu thu hồi đất, trong đó có quy định rõ cơ quan tham mưu thu hồi đất. Hai là quy định cơ chế giám sát đặc thù của HĐND, của công dân trong thu hồi định giá đất. Ba là bổ sung vào mục 2 chương VIII một điều về cơ quan thẩm định đất độc lập trong từng trường hợp thu hồi đất cụ thể do UBND cấp tỉnh thành lập, trong đó có đại diện các cơ quan chức năng của UBND, HĐND và một số chuyên gia độc lập trong lĩnh vực tài chính, môi trường, bất động sản... quy định giá trị pháp lý về giá đất do cơ quan thẩm định này xác định.
“Việc có một cơ quan định giá đất độc lập sẽ làm cho việc định giá đất khách quan hơn, ít nhất là về mặt tâm lý sẽ tạo cho người được bồi thường tin tưởng hơn vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền”, trung tướng Độ phân tích.
Chợ và trung tâm thương mại phải có hệ thống điện chữa cháy riêng Hôm qua QH đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng cháy chữa cháy, có hiệu lực từ 1.7.2014. Luật này quy định rõ các chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh và hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy... Thái Sơn |
Quốc hội cũng phải xem lại mình Hôm qua QH thảo luận tại hội trường về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết (trong đó có việc ban hành hướng dẫn thi hành) đã được thông qua. Dẫn ra con số trên 51% văn bản hướng dẫn thi hành “còn nợ”, 1/8 văn bản chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng tính nghiêm minh của pháp luật đã không được đảm bảo ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước, gây thiệt hại cho cả nhà nước và người dân. Theo nhiều ĐB, việc nợ đọng văn bản hướng dẫn, luật chưa đi vào cuộc sống, ngoài trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành thì QH cũng cần phải xem lại mình. “Quy trình lập pháp thuộc QH nhưng QH vẫn ban hành các luật có rất nhiều quy định chỉ mang tính nguyên tắc chung chung rồi giao rất nhiều nội dung cụ thể cho Chính phủ, trong một thời gian ngắn Chính phủ rất khó ban hành văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành được”, ĐB Nguyễn Đình Quyền nói. ĐB Chu Sơn Hà (TP.Hà Nội) cho rằng đang có tình trạng: “QH làm luật chạy theo thành tích, đưa vào đưa ra các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất dễ dàng. Vấn đề không bảo đảm chất lượng cũng trình QH. Các ủy ban thường là thẩm tra chay ít khảo sát thực tế”. Để khắc phục tình trạng trên, các ĐB đề nghị ngoài việc siết chặt kỷ cương cần phải thay đổi cả tư duy lẫn cách thức làm luật, đề nghị Ủy ban TVQH, các cơ quan của QH kiên quyết không đưa những dự án luật không bảo đảm quy định vào chương trình kỳ họp. Việc ra nghị quyết về triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quy định rõ thời hạn các cơ quan phải hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và thời hạn định kỳ báo cáo hằng năm về việc triển khai công tác này. Thái Sơn |
Bảo Cầm
Bình luận (0)