Mùi hương thuốc thảo dược thoảng ra khi chúng tôi bước vào không gian ngôi nhà của thần y Hur Jun - nhân vật vốn quen thuộc với khán giả Việt Nam qua bộ phim truyền hình cùng tên. Xung quanh ngôi nhà của thần y Hur Jun trưng bày những dụng cụ chữa bệnh. Trong hương thơm dịu nhẹ, những câu chuyện về vị danh y lỗi lạc của triều đại Triều Tiên thế kỷ 16 - 17 trở nên gần gũi và gây hứng thú cho chúng tôi.
Không gian tuy nhỏ nhưng đủ để kích thích người thăm quan tìm hiểu và dễ dàng hơn trong việc hình dung về một vị danh y đã đi vào lịch sử. Đây chỉ là một trong những gian trưng bày của bảo tàng được đặt trong cung điện Gyeongbokgung (Seoul, Hàn Quốc), cung điện chính và lớn nhất của triều đại Triều Tiên, được xây lần đầu vào năm 1395 và tái thiết vào năm 1867.
Trong bảo tàng, những thông tin lịch sử được đưa đến khách thăm quan qua nhiều giác quan. Sau những trải nghiệm qua khứu giác, chúng tôi tiếp tục được thử với thính giác. Tại không gian trưng bày nhạc cụ truyền thống, mọi người thích thú đưa lên tai những chiếc ống nghe. Ở đó, vang lên âm thanh của từng loại nhạc cụ thánh thót, trầm bổng.
|
Bảo tàng dành riêng cho trẻ em
Người bạn Hàn Quốc, ông Yoon Kwang Shik (Tổng thư ký Quỹ văn hóa Quốc tế) đưa chúng tôi đến một bảo tàng đặc biệt - bảo tàng chỉ dành riêng cho trẻ em được đặt ngay trong khuôn viên của Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc.
Những người lớn tới đây như được trở về tuổi thơ, nhỏ lại như những đứa trẻ, thích thú ngồi trong những ngôi nhà bằng đất, khám phá lò nung, mặc trang phục và đeo vương miện của vua, hoàng hậu... Chẳng có bài học lịch sử nào được viết trên các bảng giới thiệu, ở bảo tàng chỉ có những trò chơi. Bọn trẻ có thể ngồi bò hàng giờ tự tay lắp ghép mô hình ngôi nhà truyền thống hanok đế biết người xưa đã dựng nhà như thế nào, hay xếp lại các mảnh ghép để tạo nên chiếc bình gốm hoàn chỉnh, tìm hiểu về lò nung truyền thống và quy trình tạo nên những đồ vật bằng gốm. Ở góc khác, những cô bé hăng say khám phá các trò chơi với những dụng cụ nhà bếp, còn những cậu bé lại hào hứng ném lao, thử săn bắt các con thú như người xưa…
Cô Song Jaeyoung, cán bộ của bảo tàng cho biết trẻ em đến bảo tàng hoàn toàn được miễn phí. Vào ngày thường, bảo tàng đón trung bình 300 em khoảng từ 3 đến 13 tuổi. Cứ khoảng vài năm, bảo tàng lại xây dựng các trò chơi mới. Đây không phải là bảo tàng duy nhất dành cho trẻ em tại Hàn Quốc. Có nhiều bảo tàng trẻ em được xây dựng theo những tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như có bảo tàng giúp trẻ khám phá về nghệ thuật dân gian, nghiên cứu người tiền sử, nghiên cứu khoa học…
|
|
Ngoài bảo tàng trẻ em, tại những bảo tàng dành cho cả người lớn, không khó để bắt gặp những đứa trẻ được bố mẹ, người thân, thầy cô đưa đến tham quan. Chúng tôi còn rất ngạc nhiên khi thấy rất đông trẻ em, thanh thiếu niên đến bảo tàng, những ngôi làng truyền thống, các cung điện, di tích lịch sử… Một người bạn Hàn Quốc cho hay tại đây, có những ngày nghỉ dành cho học sinh đến những khu di tích, làng cổ, bảo tàng… Nhiều đứa trẻ không biết người xưa sống như thế nào, họ ăn, ở, mặc ra sao, chúng nghĩ người xưa sống rất khổ sở. Bởi thế, những đứa trẻ được trải nghiệm cuộc sống người xưa và tìm hiểu lịch sử ngay tại những nơi đó.
Ở Hàn Quốc, người ta luôn bắt gặp hình ảnh dòng người vội vã trên những con đường, trong những chuyến tàu điện ngầm. Cuộc sống như chậm lại khi mọi người đến bảo tàng hay những địa điểm lịch sử.
Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ trên thế giới. Và người Hàn đã biết cách tận dụng công nghệ để người dân “học” lịch sử ngay từ tấm bé. Không chỉ vậy, những trải nghiệm thực tế đã giúp những đứa trẻ được chạm vào quá khứ chứ không chỉ là những bài học ở trường lớp. Lịch sử được tiếp nhận một cách tự nhiên và gần gũi như thế.
Bình luận (0)