Dân hiến đất mở rộng hẻm: Hẻm thênh thang, đời thay đổi

Xuân Khánh
Xuân Khánh
15/07/2022 06:01 GMT+7

Là một trong những tuyến hẻm đầu tiên hưởng ứng phong trào hiến đất mở hẻm, sau 20 năm, cuộc sống của người dân trong hẻm 453 Lê Văn Sỹ (P.12, Q.3) đã thay đổi nhiều.

Sống ở đây từ nhỏ, ông Vũ Quốc Sĩ (56 tuổi) chỉ nhớ con hẻm đã được mở rộng từ rất nhiều năm trước. Để con hẻm khang trang và rộng rãi như ngày hôm nay, hầu như nhà các hộ dân đều thụt vào hơn 1 m, riêng nhà ông Sĩ phải dỡ bỏ phần hiên nhà và cổng, để “xe hơi cũng có thể đi vào được”. Sau khi mở rộng, cuộc sống trong hẻm nhiều “sinh khí” hơn, được nhiều người đến thuê để kinh doanh vì vị trí thuận lợi. Đã về hưu, ông Sĩ cũng tranh thủ mở tiệm nước nhỏ trước nhà kiếm thêm thu nhập.

Sống gần cuối con hẻm, bà Tuệ Quỳnh dù đã 90 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ về cuộc vận động vào 20 năm trước. Con hẻm này thông ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên cứ mưa là ngập, nước lẫn với nước thải tràn vào nhà, vừa hôi hám và mất vệ sinh. Thế nhưng, khi phường vận động người dân hiến đất mở đường, nâng cấp hệ thống thoát nước, ngầm hóa đường dây điện, nước, rất ít người đồng ý. Được tin tưởng bầu làm tổ trưởng, bà Quỳnh cùng tổ vận động đến từng nhà người dân thuyết phục, nhưng cũng gặp phải nhiều “hòn đá tảng” là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng tu sửa căn nhà sau khi hiến đất. Chưa kể, chi phí để cải tạo con hẻm là rất lớn nên việc này cũng “treo” nhiều năm. Mãi đến khi phương án nhà nước chịu 7 phần kinh phí, 3 phần còn lại do người dân đóng góp thì việc vận động mới thông.

Kết quả, con hẻm 453 Lê Văn Sỹ được mở rộng từ 3 lên 6 m; hệ thống thoát nước được cải tạo; đường điện cũng ngầm hóa; cảnh ngập lụt không còn nên dân trong hẻm vô cùng phấn khởi. “Nhiều người bắt đầu buôn bán, nhiều quán cà phê vỉa hè xuất hiện, nhưng sau đó được phường vận động di dời về một khu vực để người dân vẫn có thể mưu sinh mà không lấn đường đi trong hẻm. Nay thì đã thành khu chợ nhỏ”, bà Quỳnh cho hay.

Ở Q.Phú Nhuận, tuyến hẻm 162 Phan Đăng Lưu được mở rộng 4 năm nay đã mang lại niềm vui cho hàng chục hộ dân trong hẻm. Nhiều người ví von, cuộc sống như “sang trang mới” khi nhiều nỗi lo về cháy nổ, đi lại bất tiện được xua tan. Bà Nguyễn Thị Nhã (59 tuổi, sống tại hẻm này) cho biết: “Khi con hẻm rộng lên gấp 3 lần, quán cơm bán cũng khá hơn, xe ô tô ra vào thoải mái. Diện tích nhà hẹp hơn một chút cũng đáng”.

Sống ở cuối con hẻm cũ, nơi chỉ rộng 1 m, bà Hoàng Trâm (53 tuổi) vẫn còn ngán ngẩm khi nhớ lại cảnh xe máy nhường nhau mỗi khi đi vào hẻm. Một hộ dân khác cũng sống gần cuối hẻm 162 Phan Đăng Lưu cho hay trước khi con hẻm được mở, cả gia đình bà chỉ sống trong căn nhà cấp 4, đường nhỏ nên nếu có hỏa hoạn hay cần cấp cứu, xe ô tô vào cũng rất bất tiện; còn taxi lỡ vào cũng không thể quay đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.