Tại giếng khoan trong vườn cao su nhà anh Đỗ Văn Quốc (xã Tân Bình), nước mới bơm lên có màu trắng trong, nhưng mùi hăng hắc như mùi củ mì ngâm nước lâu ngày. Sau hơn 1 phút, nước chuyển sang vàng tươi, có cặn bên trong.
Không dám rửa tay
Cầm bình nước màu vàng ươm, anh Quốc nói: “Nước này chúng tôi không dám tưới cây thậm chí không dám rửa tay chứ đừng nói là dám uống”. Còn bà Lê Thị Phượng (62 tuổi) cho hay: "Bao nhiêu giếng khoan ở khu vực này đều không thể dùng được vì có mùi rất tanh, bơm nước tưới cao su thì thời gian sau giảm cả lượng mủ. Có người phải khoan đến 60m vẫn không có nước sạch mà phải đi xin nước về sử dụng".
Dù trưa nắng, nhưng ông Võ Văn Võ- Tổ trưởng tổ tự quản 36 ấp Tân Trung, xã Tân Bình) dẫn chúng tôi đến nhiều hộ dân có từ 5-7 giếng khoan bị bỏ hoang. Ông Cao Văn Rập (46 tuổi, có 5 lỗ giếng khoan bỏ hoang) phản ánh: “Từ năm 2005 đến 2011, nước giếng vẫn còn sử dụng được, nhưng đầu năm 2012 đến nay thì có mùi nồng nặc rất tanh nên gia đình phải đi chở nước về dùng. Hiện tại nước bơm từ giếng lên không thể rửa tay được vì có màu vàng, mùi hôi thối".
|
Lò mì vây khu dân cư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Tân Bình, từ năm 1990 đến năm 2012, có ít nhất 6 lò mì gây nhức nhối về nạn ô nhiễm môi trường thay phiên nhau hoạt động ngay trong lòng khu dân cư. Đến nay, vẫn còn 2 doanh nghiệp hoạt động (4 doanh nghiệp bị đình chỉ).
Ông Nguyễn Thanh Minh- Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết: “Khoảng tháng 9.2012, chúng tôi liên tục có tờ trình lên Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Ninh và Phòng TN-MT TX.Tây Ninh yêu cầu giải quyết bức xúc của người dân liên quan đến các vấn đề môi trường nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm”. Theo ông Minh, mạch nước ngầm tại địa phương đã và đang bị ô nhiễm trầm trọng, mẫu nước giếng vượt chuẩn, nhiều hộ dân không có nước sạch sử dụng…
Còn ông Trần Minh Sơn- Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Ninh (Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh) xác nhận: “Hiện chưa có số liệu nghiên cứu chính thức về thực trạng gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực xã Tân Bình. Tuy nhiên, trên thực tế các lò mì hoạt động tại đây từ lâu ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây ra hiện tượng đổi màu nước. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước sạch do nhà nước cung cấp để an toàn sức khỏe”.
Ông Sơn cho biết, trước đây, khu vực xã Tân Bình rất ít dân (lúc này các lò mì hoạt động không có quy định về hầm biogas - PV). Hiện tại, lò mì nằm giữa khu dân cư tập trung trong đó có cả UBND xã Tân Bình, trường học, trạm y tế xã. “Hiện Sở TN-MT đang tổng hợp báo cáo trình lên UBND tỉnh để có hướng xử lý các lò mì đang hoạt động phải có thời hạn hoặc buộc phải di dời theo quy định”, ông Sơn nói.
Theo kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu nước ngầm tại 3 giếng khoan ở 3 độ sâu khác nhau tại tổ 4, ấp Tân Trung, xã Tân Bình hồi tháng 10.2012 của Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Ninh đều có nồng độ chất độc hại cao gấp 100 lần giới hạn cho phép. Cụ thể, tại giếng khoan ở độ sâu 16 m nhà ông Đỗ Văn Quốc: hàm lượng sắt tổng cộng là 25,16 mg/l (trong khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm là 5 mg/l, vượt hơn 20.16 lần), hàm lượng amoni lên đến 110 mg/l (giới hạn là 0,1 mg/l, vượt đến 109.9 lần); mẫu nước giếng khoan nhà ông Nguyễn Thanh Giàu ở độ sâu 22 m: lượng sắt là 7,08 mg/l, amoni là 38,9; mẫu nước giếng khoan nhà ông Trần Văn Vui ở độ sâu 50 m: lượng sắt là 7 mg/l, amoni là 19,9 mg/l. |
Giang Phương
Bình luận (0)