Theo hãng tin AFP, các điểm bỏ phiếu mở cửa vào lúc 8 giờ và dự kiến đóng cửa sau 10 tiếng, dù thời gian bỏ phiếu có thể kéo dài thêm tùy thuộc vào số lượng người đi bỏ phiếu trong số hơn 46 triệu cử tri ở nước này và kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố trong vòng 24 giờ. Nếu không ứng viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu, Iran sẽ tiến hành bầu cử vòng hai vào ngày 19.6 dành cho hai ứng viên có số phiếu bầu cao nhất ở vòng một. Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei hôm qua đã lên tiếng thúc giục người dân đi bầu đông đảo. “Mọi người hãy đi bỏ phiếu và hành động theo ý chí của mình”, ông phát biểu sau khi làm nghĩa vụ công dân ở Tehran. Truyền hình Iran hôm qua phát hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ bỏ phiếu tại các điểm bầu cử ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác. Cuộc bầu cử diễn ra một cách hòa bình dù trước đó đã xảy ra một vụ đánh bom đền thờ Hồi giáo ở thành phố Zahedan làm 25 người thiệt mạng và một số vụ xung đột giáo phái khiến 10 người chết.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 10 của Iran kể từ khi nước này tiến hành cuộc Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979. Tham gia tranh cử có 4 ứng cử viên, trong đó Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad được đánh giá là người có triển vọng nhất. Đối thủ khá nặng ký của ông là cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi, người có quan điểm ôn hòa hơn. Ngoài ra, còn có cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karroubi và cựu Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Mohsen Rezai. Đây là những ứng cử viên được đánh giá là có thể làm thay đổi cục diện kết quả bầu cử, nhưng theo giới quan sát, cuộc bầu cử này có thể chỉ là “cuộc đua song mã” giữa ông Ahmadinejad và ông Mousavi. Cả hai ứng viên này đều hứa hẹn đem lại một “tương lai tốt đẹp hơn” cho người dân Iran khi đi bỏ phiếu vào hôm qua.
Cuộc bầu cử hôm qua khép lại một chiến dịch tranh cử ồn ào và căng thẳng với những cuộc xuống đường rầm rộ, các khẩu hiệu vận động tranh cử bóng bẩy và những cuộc tranh luận căng thẳng trên truyền hình. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Ahmadinejad gần như là mục tiêu của tất cả những cuộc công kích từ các đối thủ còn lại. Họ chỉ trích đường lối đối ngoại cứng rắn của ông, đặc biệt là đối với Israel, cũng như các chính sách kinh tế kém hiệu quả vốn đã khiến lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Ông Ahmadinejad đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các đối thủ của ông đã phớt lờ những thành công mà ông đạt được trong 4 năm cầm quyền, đặc biệt là chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran. Ông Ahmadinejad giành được sự ủng hộ chủ yếu từ tầng lớp thị dân nghèo khổ và khu vực nông thôn, trong khi các đối thủ của ông thu hút tầng lớp trung lưu và những người có trình độ học vấn cao.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Israel và EU, đang theo dõi sát sao kết quả của cuộc bầu cử bởi tổng thống kế tiếp của Iran sẽ lên nắm quyền vào thời điểm quyết định đối với chính sách đối ngoại của Iran. Theo AP, cho đến nay, giới lãnh đạo Iran vẫn tỏ ra chưa vội vàng tiếp nhận đề nghị của Tổng thống Mỹ Barack Obama mở lại đối thoại sau 3 thập kỷ căng thẳng ngoại giao. Nhưng họ để ngỏ khả năng đàm phán trong tương lai. Ông Ahmadinejad đề xuất một cuộc tranh luận với ông Obama trong khi ông Mousavi cam kết cải thiện quan hệ với Washington và làm giảm căng thẳng với phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.
Trùng Quang
Bình luận (0)