Với mục tiêu đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sống cho cư dân nghèo đô thị nhưng từ khi triển khai, người dân lại… kêu trời vì dự án.
Đó là chuyện nghịch lý xảy ra tại Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (Tiểu dự án TP.Mỹ Tho) do UBND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 56,22 triệu USD, trong đó vốn vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) là 39,71 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách trung ương và địa phương.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết có 7 nhà thầu trúng sơ tuyển gói thầu lập thiết kế khung kỹ thuật (FEED) và hỗ trợ thực hiện dự án Xây dựng công trình đường sắt đô thị metro số 5 - TP.HCM giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Được triển khai từ năm 2012 trên phạm vi 9 phường, xã. Dự án có 4 hợp phần chính, trong đó hợp phần 1 là nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp 3 và hạ tầng xã hội yếu kém tại 17 khu dân cư nghèo. Các hạng mục được nâng cấp bao gồm đường giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, cấp nước, điện chiếu sáng…
Hàng loạt hố ga trên con đường này không hề có nắp đậy. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Về lý thuyết thì thông qua việc nâng cấp hạ tầng, các con hẻm sẽ được cải tạo, mở rộng, giảm thiểu tình trạng ngập úng… Nhưng vì việc thi công ì ạch, kéo dài, hàng loạt con đường được xới tung lên rồi… để đó trở thành “những con đường đau khổ” gây bức xúc, ám ảnh người dân nghèo vì quá nhiều hầm hố, nhầy nhụa, sau những cơn mưa.
Có những con đường đã thi công xong từ 4-5 tháng qua nhưng đến nay hàng loạt hố ga vẫn chưa có… nắp đậy đã trở thành những “cái bẫy” nằm ngay giữa đường, hết sức nguy hiểm đối với người đi xe máy vào ban đêm hoặc lúc trời mưa
Những cảnh báo giao thông “kiểu dân lập”. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Để tự bảo vệ mình, người dân phải thay… các nhà thầu để khắc phục bằng đủ loại vật liệu “tự chế” như tấm tôn, khúc gỗ, thân cây dừa hoặc cảnh báo bằng… cành cây sơ sài giữa miệng hố để giúp người đi đường tránh bị sụp bẫy.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân rất bức xúc vì cách làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm của các nhà thầu, đồng thời cũng phê phán chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý đối với những nhà thầu không đủ năng lực.
Con đường này dài chưa tới 1km nhưng có tới 33 “cái bẫy” đủ kiểu, nằm giữa đường. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Người dân nêu ví dụ như chỉ một đoạn đường dài chưa tới 1km nối từ đường Trần Hưng Đạo với đường Hoàng Việt (phường 5), nhưng có tới “33 cái bẫy” nằm ngay giữa đường, không có nắp đậy, cũng không cảnh báo. Vì vậy “người đi xe gắn máy bị té hà rầm, nhất là khi trời mưa”.
Bà Trần Thị Lợi, nhà ở cạnh bờ kè sông Bảo Định (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho) cho biết công trình này thi công đã 5 năm rồi nhưng cứ ì ạch, kéo dài, nên người đi xe gắn máy thường xuyên bị té, bị rớt xuống bờ sông, do đường quá hẹp.
Bờ kè sông Bảo Định. Người dân cho biết đây là nơi người đi xe gắn máy thường xuyên bị té. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Vừa nói, bà Lợi chỉ vào những vết sẹo ở dưới chân, trong đó có vết bầm tím vừa mới bị té ngày hôm trước khi chở cháu ngoại đi học, chiếc xe bị rớt xuống sông. Nghe kể vậy, bé gái hơn 3 tuổi đang đứng gần chỉ tay vào vết trầy ở miệng rồi nói xen vô: “Con cũng bị té nữa nè. Hôm qua con cũng đi khám bác sĩ”.
Con đường này làm xong gần nửa năm nhưng đến giờ các nắp cống và hố ga vẫn còn tạm bợ. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Theo kế hoạch thì dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2017 nhưng tới thời điểm này chỉ mới giải ngân được gần 50%, do tiến độ thi công quá chậm.
Ngày 25.6, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, cho biết: “Chúng tôi đang quyết liệt, đang xiết các nhà thầu để kịp tiến độ vào cuối năm”.
Người dân cho biết chiếc xe xúc này bị đứt xích, bị bỏ nằm đã lâu vì tranh cãi giữa nhà thầu và đơn vị thi công: ai chịu chi phí sửa chữa? Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Theo ông Hồng thì việc thi công ì ạch là do hồ sơ quyết toán của các nhà thầu làm quá chậm. Cụ thể có nhà thầu vì không đủ năng lực thi công nên bị thanh lý hợp đồng, nhưng họ cứ kéo dài, không hợp tác, không chịu quyết toán khối lượng đã thi công nên chưa thể tổ chức đấu thầu lại được.
Công trình thi công kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn của người dân. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Vào năm 2016, một doanh nghiệp phát đơn tố cáo Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho “có dấu hiệu thông thầu” khi triển khai gói thầu số 1. Lúc đó ông Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Sẽ xử lý trách nhiệm đối với giám sát công trình, đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan chức năng thanh tra toàn diện dự án để làm rõ thông tin tố cáo”. Tuy nhiên, cho đến nay việc thanh tra dự án vẫn chưa diễn ra.
Bình luận (0)