Anh Trần Thanh Hoài (40 tuổi, ngụ tổ 25, ấp Hương Phước, xã Phước Tân), cho biết khu vực tổ 25 có 3 cơ sở chế biến xỉ than hoạt động gần hai năm nay. Các cơ sở này chỉ cách nhà dân từ 150 - 200 m.
Theo anh Hoài, người dân không biết các cơ sở này chế biến xỉ than để làm gì, xuất bán đi đâu? Chỉ thấy xỉ than được xay thành bột chất từng đống cao như quả núi. Mùa nắng, bụi than bay vào nhuộm đen nhà cửa, vườn của người dân; còn mùa mưa thì xỉ than theo nước mưa cuốn vào nhà dân.
“Không biết họ ủ cái gì mà cứ vài ngày lại bốc mùi thối nồng nặc, ngửi phải mùi là đau đầu, buồn nôn. Chính quyền có cử người vô kiểm tra một hai lần rồi thôi, không thấy xử lý gì cả”, anh Hoài bức xúc.
Bà Trịnh Thị Hai (86 tuổi, ngụ tổ 25, ấp Hương Phước) cho hay bụi than bám từng lớp khiến cây ở đây không lớn lên được. Mùa mưa, xỉ than tràn ra đường khiến nguồn nước bề mặt bị nhuộm đen, còn nước ngầm sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng và chuyển màu xám đục. “Mỗi lần các cơ sở hoạt động là mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Sống ở đây một thời gian các cháu tôi đều bị bệnh, tôi cũng bị viêm phổi phải đi bệnh viện mấy lần”, bà Hai than thở.
Ông Nguyễn Văn Đây (65 tuổi, ngụ tổ 25, ấp Hương Phước) bức xúc: “Nhà tôi ở gần một cơ sở chế biến xỉ than nên phải hứng chịu nặng nề nhất. Mỗi lần cơ sở xay và trộn xỉ than thì bụi bốc lên bay phủ khắp nơi. Bụi bay vào nhà phủ một lớp đen thui trên nền gạch, bàn ghế. Bể nước tôi xây cho các cháu tắm ở phía sau nhà cũng bám một lớp than đen ngòm không sử dụng được. Tôi phải gửi hai đứa cháu “di tản” về bên ngoại và đóng cửa nhà im ỉm suốt ngày. Mong sao cơ quan chức năng sớm xử lý cho người dân được nhờ”.
Ông Đặng Xuân Quyết, Trưởng ấp Hương Phước (xã Phước Tân) thừa nhận tình trạng ô nhiễm do các cơ sở chế biến xỉ than trên địa bàn gây nên. “Chúng tôi cũng đã ghi nhận và đề xuất trong các cuộc họp HĐND xã và các cuộc họp thường kỳ nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để”, ông Quyết nói.
Trả lời Thanh Niên, ông Mai Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, giải thích: “Vừa rồi tôi mới nghe anh em nói người dân có gửi đơn nhưng viết không rõ ràng. Chúng tôi đang cho người hướng dẫn để người dân viết lại đơn cho cụ thể, chính xác thì mới đi kiểm tra được!”. Về giấy phép hoạt động của những cơ sở này, ông Tài cho hay những cơ sở này xin phép trên Phòng TN-MT TP.Biên Hòa, sau đó thuê lại đất của người dân địa phương để sản xuất.
Trong khi đó, đại diện Phòng TN-MT TP.Biên Hòa giải thích tại tổ 25 (ấp Hương Phước) hiện có 3 cơ sở đang tập kết, kinh doanh than gồm: chi nhánh DNTN Huy Cường Phát, chi nhánh DNTN Long Hương Phát và cơ sở do bà Ngô Thị Thuần làm chủ. Các cơ sở này chế biến xỉ than để sản xuất than tổ ong và bán bột than cho các lò gạch.
Trước phản ánh của người dân, Phòng TN-MT, Công an TP.Biên Hòa đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra. “Chúng tôi cũng đã đề xuất UBND TP.Biên Hòa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các cơ sở vi phạm”, vị đại diện này khẳng định.
Bình luận (0)