Dân kêu trời vì thủy điện

Khánh Hoan
Khánh Hoan
23/11/2022 07:10 GMT+7

Chủ đầu tư đánh giá không đúng mức độ ảnh hưởng của thủy điện sau khi tích nước khiến hàng trăm hộ dân ở H.Con Cuông ( Nghệ An ) khổ sở đi đòi bồi thường vì bị mất đất, ngập nhà nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Sống trong nguy hiểm

Căn nhà sàn của vợ chồng anh Viềng Văn Tiễn (ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm, H.Con Cuông) được dựng từ hàng chục năm trước, cách thượng nguồn sông Lam khá xa. Thế nhưng, sau khi thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình 38 m, căn nhà này bị ngập nước. Năm 2021, vợ chồng anh Tiễn phải thuê thợ di chuyển nhà lên cao hơn, cách chỗ cũ khoảng 30 m để tránh ngập. Thế nhưng, đến nay chi phí di chuyển nhà và diện tích đất bị nhấn chìm vẫn chưa được thủy điện bồi thường.

Nước lòng hồ thủy điện Chi Khê đã ăn sâu vào chục mét sau khi tích nước lên cao trình 38 m

Cạnh nhà vợ chồng anh Tiễn là căn nhà sàn của bà Ngân Thị Chuyên (70 tuổi) cũng đang có nguy cơ đổ sập xuống lòng hồ thủy điện vì bị nước dâng. “Trước đây, nước nằm ở cách ngoài xa, cả trăm mét chứ không phải như bây giờ”, bà Chuyên nói. Do chưa được đền bù để di dời nên bà Chuyên vẫn đang phải sống trong căn nhà tiềm ẩn nguy hiểm này.

Căn nhà bà Ngân Thị Chuyên ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm có nguy cơ đổ sập vì nằm sát mép nước

KHÁNH HOAN

Theo báo cáo của UBND xã Cam Lâm, hiện có 8 hộ dân có nhà ở sát mép nước lòng hồ thủy điện Chi Khê đang bị sạt lở, có nguy cơ mất an toàn. Trong đó 4 hộ đã bị nước thủy điện “đuổi”, không thể ở được phải di dời nhà cửa đến vị trí khác. Không chỉ đe dọa nhà ở, kể từ khi thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình 38 m vào năm 2019, đến nay đã có 84 hộ dân xã này bị mất nhiều héc ta đất nông nghiệp do bị nước nhấn chìm.

Dẫn PV ra cánh đồng ven sông Lam, ông Lô Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, cho biết trước khi thủy điện Chi Khê tích nước, cánh đồng này ở tận ngoài kia, cách hàng chục mét, nay đã bị nước nhấn chìm. Tuy nhiên, chủ đầu tư thủy điện chỉ mới bồi thường một phần diện tích ở phía ngoài.

Tương tự, tại xã Châu Khê đối diện bên kia bờ sông Lam, hàng trăm hộ dân cũng lâm vào cảnh mất đất nhưng chưa được bồi thường. UBND xã Châu Khê đã nhận 121 lá đơn của người dân phản ánh đất của họ nằm ngoài mốc chỉ giới cao trình 38 m nhưng vẫn bị ngập, trong đó có 63 trường hợp đã được kiểm tra, đo đạc từ tháng 8.2019, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời, 58 trường hợp còn lại chưa được kiểm tra, đo đạc.

Tại xã này cũng có 20 nhà dân có hiện tượng sụt lún, nứt tường, nền nhà... Chính quyền xã nhiều lần đề nghị kiểm tra đánh giá và có phương án hỗ trợ dân nhưng vẫn chưa được thực hiện. Xã Lạng Khê kế bên cũng nhận được 123 lá đơn của người dân, đề nghị kiểm tra phần sạt lở, ngập nước ngoài mốc chỉ giới để bồi thường nhưng vẫn chưa có kết quả.

Dài cổ chờ bồi thường

Thủy điện Chi Khê nằm trên thượng nguồn sông Lam, công suất 2 tổ máy 40 MW, khởi công từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay thủy điện này đã phải 2 lần xin điều chỉnh quy hoạch bổ sung vùng bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa xong. Năm 2017, khi thủy điện tích thử, nước mới chỉ đến cao trình 36,5 m đã gây ngập hơn 100 ha đất của người dân nằm ngoài quy hoạch lòng hồ. Sau đó, UBND H.Con Cuông phải khẩn cấp ra văn bản yêu cầu chủ thủy điện này dừng tích nước để đảm bảo an toàn cho người dân và điều chỉnh quy hoạch.

Sau khi điều chỉnh bổ sung, thủy điện tích nước đến cao trình 38 m lại tiếp tục phát sinh nhiều diện tích đất bị ngập. Cũng trong năm 2017, chủ đầu tư thủy điện Chi Khê là Công ty CP năng lượng Agrita - Nghệ Tĩnh có văn bản cam kết sẽ thực hiện đo vẽ lại tổng thể diện tích toàn bộ khu vực lòng hồ để xác định chỉ giới thu hồi, diện tích bị ngập của từng hộ theo đúng hiện trạng và lập hồ sơ đền bù bổ sung cho người dân. Chủ đầu tư cũng hứa sẽ “đền bù thỏa đáng cho người dân nếu hộ nào bị sạt lở do thủy điện tích nước gây ảnh hưởng đất đai và tài sản”. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều lần người dân và chính quyền địa phương yêu cầu, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện cam kết nói trên.

Ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND H.Con Cuông, cho rằng do chủ đầu tư đánh giá không chính xác mức độ ảnh hưởng của thủy điện đến diện tích đất ở và đất nông nghiệp nên dẫn đến những hệ lụy trên. Mới đây, UBND huyện này tiếp tục đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt diện tích phát sinh ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng sau khi tích nước lên cao trình 38 m, để thực hiện bồi thường bổ sung cho người dân. Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư thủy điện này cho biết ban đầu dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng chỉ tốn khoảng 40 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay đã tăng lên hơn 300 tỉ đồng nhưng vẫn chưa xong. Về việc nhiều nhà dân nằm ngoài chỉ giới vẫn bị ảnh hưởng, phải tự di dời, đại diện chủ đầu tư cho biết công ty “chưa nhận được kiến nghị và sẽ cho kiểm tra lại”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.