Vừa hoạt động đã “đắp chiếu”
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Tiên Thọ (H.Tiên Phước, Quảng Nam) được đầu tư xây dựng vào tháng 10.2010, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 7.2012, tổng kinh phí hơn 3,1 tỉ đồng. Chủ đầu tư công trình là Phòng NN-PTNT H.Tiên Phước, mục đích cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 230 hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 (xã Tiên Thọ). Quá trình thi công, do phát sinh thêm 2 giếng khoan nên công trình lùi đến năm 2015 mới chính thức đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi vận hành được khoảng 2 năm, công trình đã liên tục gặp sự cố. Một số hạng mục hư hỏng do đào đường làm cống khu trung tâm và làm đường QL40B. Tiếp đến, khâu vận hành kém hiệu quả nên công trình bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Công trình nước sạch ở xã Tiên Thọ bị bỏ hoang, cây dại mọc um tùm |
NAM THỊNH |
Ông Nguyễn Đức Tự (54 tuổi, ở xã Tiên Thọ) cho biết khi công trình đưa vào sử dụng, người dân địa phương rất mừng vì có nước sạch để dùng, không còn lo thiếu nước vào mùa nắng nóng. Nhưng nào ngờ chưa được bao lâu thì hệ thống cấp nước đã hư hỏng. “Một công trình đầu tư hàng tỉ đồng nhưng không được tu sửa để vận hành trở lại, thấy quá lãng phí tiền của, trong khi người dân không có nước sạch để sinh hoạt”, ông Tự thất vọng.
Qua theo dõi, ông Nguyễn Quân (53 tuổi, ở xã Tiên Thọ) nhận thấy 2 giếng khoan để hút nước của công trình hoạt động được một thời gian thì 1 cái bị hỏng, cái còn lại chỉ hút được… nước nhiễm phèn. Đường ống dẫn nước cũng hư hỏng do đường sá, cống rãnh gần đó sửa chữa thường xuyên. “Khi công trình dừng hoạt động, nhiều người dân phải bỏ tiền ra mua nước về dùng, rất tốn kém”, ông Quân ngao ngán.
Vẫn phải chờ xin kinh phí
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều hạng mục của công trình cấp nước sinh hoạt xã Tiên Thọ đã xuống cấp nghiêm trọng; các hệ thống ống dẫn nước bị hư hỏng nặng. Trong khuôn viên công trình cây cỏ dại mọc um tùm; khu nhà điều hành xử lý nước sạch thành nơi chứa rác thải…
Ông Lê Anh Minh, Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, cho biết công trình dừng hoạt động nhiều năm nay có nguyên nhân từ công tác vận hành quản lý khó khăn, thiếu chuyên môn kỹ thuật, lại thay đổi đơn vị điều hành. Ngoài ra, đường ống nằm dưới đất nên khó sửa chữa, bảo trì mỗi khi trục trặc; máy móc thường xuyên hư hỏng... “Địa phương đã kiến nghị UBND H.Tiên Phước sớm bổ sung kinh phí sửa chữa, khắc phục để công trình sớm hoạt động trở lại. Vừa rồi, đoàn đại biểu HĐND huyện cũng đã xuống kiểm tra, ghi nhận thực tế để chuẩn bị trình HĐND huyện trong kỳ họp sắp tới”, ông Minh nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND H.Tiên Phước, xác nhận người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần về công trình này. Tuy nhiên, khó khăn nhất bây giờ là nguồn nước ngầm đã bị nhiễm phèn nên buộc phải xử lý lại. “Việc công trình không vận hành trong thời gian dài cũng khiến người dân bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt. Lâu nay, ngành nông nghiệp huyện luôn theo dõi những vấn đề liên quan xung quanh công trình này. Huyện đang kiến nghị tỉnh để xin thêm kinh phí nhằm điều chỉnh, xử lý công trình. Việc nâng cấp, sửa chữa công trình khá tốn kém trong khi nguồn vốn huyện không có, nên giờ phải chờ nguồn từ tỉnh”, ông Hương nói. t
Bình luận (0)