Dân khổ vì phân luồng giao thông bất hợp lý

25/08/2015 10:03 GMT+7

Với việc xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng như cầu vượt, hầm chui… tuyến QL1 qua địa bàn TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vào cửa ngõ phía Đông TP.HCM giờ đây đã hết cảnh kẹt xe. Tuy nhiên lại nảy sinh những bấp cập khác khiến người dân bức xúc.

Với việc xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng như cầu vượt, hầm chui… tuyến QL1 qua địa bàn TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vào cửa ngõ phía Đông TP.HCM giờ đây đã hết cảnh kẹt xe. Tuy nhiên lại nảy sinh những bấp cập khác khiến người dân bức xúc.

 Người dân ở KP3, P.Long Bình phải chạy ngược chiều trên QL1 để vào trung tâm TP.Biên Hòa
Ở nút giao thông ngã tư Amata (TP.Biên Hòa), trước khi làm cầu vượt nơi đây có một tuyến đường khoảng 500m song hành với QL1. Tuy nhiên, khi cầu vượt hoàn thành thì con đường này biến mất khiến hàng ngàn hộ dân sống tại KP.3, P.Long Bình bị chia cắt. Người dân ở đây phải liều mạng đi ngược chiều mới có thể lưu thông gần nhất ra trung tâm TP.Biên Hòa.
Anh Nguyễn Kim Ngân, một người dân ngụ KP.3 bức xúc: “Từ ngày cầu vượt Amata hoàn thành, dân ở khu này toàn phải đi ngược chiều rất nguy hiểm, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn”.
Tại nút giao thông cầu vượt Tân Vạn, việc chỉ cho xe ô tô qua cầu một chiều (từ Đồng Nai đi TP.HCM) trong khi hướng ngược lại các phương tiện phải đi dưới cầu tạo nên cảnh ùn ứ thường xuyên. Xe ô tô từ hướng ngã ba 621 đi Đồng Nai muốn quay lại TP.HCM, hay xe ô tô từ đường Nguyễn Xiển (Q.9, TP.HCM) ra QL1 muốn về lại TP.HCM hoặc vào đường ĐT743C đi Bình Dương đều phải chạy thẳng qua cầu Đồng Nai, vào trạm thu phí, tới ngã tư Vũng Tàu rồi mới có thể vòng trở lại được.
Kiểu phân luồng giao thông rối rắm này vô tình gây áp lực lên nút giao thông ngã tư Vũng Tàu vốn luôn trong tình trạng quá tải.
Nguy hiểm rình rập
Cầu vượt Amata, cầu vượt Tân Vạn thuộc dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu theo hình thức BOT do Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) thi công. Mặc dù các công trình khi đi vào hoạt động đã giải quyết cơ bản tình trạng kẹt xe thường xuyên nhưng do cách phân luồng thiếu hợp lý khiến nguy cơ tai nạn giao thông tăng và gây ức chế cho người tham gia giao thông.
 TNGT thường xuyên xảy ra tại ngã tư Vũng Tàu
Ở ngã tư Vũng Tàu hướng từ cầu Đồng Nai về TP.HCM, tại làn đường dành cho xe máy vạch kẻ đường chỉ cho rẽ phải, không cho chạy thẳng về Tam Hiệp hay rẽ trái vào KCN Biên Hòa 1. Còn với làn ô tô thì được chạy cả ba hướng. Điều này dễ dẫn đến tai nạn giao thông khi xe máy luôn phải chạy cắt đầu xe ô tô. Xe máy chạy thẳng va chạm với ô tô rẽ trái, hay xe máy rẽ trái va chạm với những ô tô đi thẳng. Trong khi lưu lượng xe ô tô qua cầu Đồng Nai rất lớn.
Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông tại khu vực này do người điều khiển xe máy đi không đúng vạch kẻ đường. Nhiều người cho rằng nếu cầu vượt ngã tư Vũng Tàu có thêm một nhánh đường rẽ phải về QL51 thì giao thông sẽ thông thoáng và ít xảy ra tai nạn giao thông hơn.
Còn xe theo hướng QL 51 từ Vũng Tàu về thì phải chịu cảnh đèn đỏ dài gấp đôi đèn xanh.
Anh Lê Thành Kiệt, một tài xế thường xuyên đi trên tuyến đường này cho biết: “Vào giờ cao điểm đi qua đây đều chịu cảnh đèn đỏ dài đến hơn 40 giây, còn đèn xanh chỉ hơn 20 giây làm xe ùn ứ rất nhiều. Lắm lúc phải đợi đến hai lượt đèn mới qua được”.
Một bất cập khác mà anh Kiệt chỉ ra là tại cầu vượt ngã tư Vũng Tàu để cho trụ cầu án ngữ ngay chính giữa đường hướng từ QL 51 về khiến cho các phương tiện muốn rẽ trái về TP.HCM phải chạy chếch lên trên một đoạn rồi ôm cua, vô tình khiến khúc cua gắt hơn, kém an toàn.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai vừa qua, trả lời chất vấn của của đại biểu về tình hình lộn xộn, bất hợp lý và kém an toàn ở các điểm giao thông kể trên, ông Nguyễn Văn Điệp - Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai thừa nhận và hứa sẽ kiến nghị chủ đầu từ ra soát điều chỉnh, bổ sung thêm biển báo nhất là biển báo hướng dẫn làn xe lưu thông, phân luồng lại giao thông. Sở GTVT cũng đề nghị KCN Amata đấu nối tuyến đường từ KP.3, P.Long Bình đi qua KCN để tránh tình trạng người dân lưu thông bằng xe máy ngược chiều trên QL1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.