Dân làng Đường Lâm chưa hài lòng

16/05/2013 03:30 GMT+7

Nhiều khuôn mặt người dân như sững lại, rồi những lời bực bội xuất hiện ngay sau tuyên bố cuộc gặp mặt giữa một số lãnh đạo sở, địa phương với người dân Đường Lâm kết thúc chiều 15.5.

>> Dân Đường Lâm tiếp tục ký đơn xin trả danh hiệu di tích
>> Dân Đường Lâm làm đơn xin trả danh hiệu di tích

Họp dân mà không có trưởng thôn, trưởng xóm

Chỉ có 23 người nhận được giấy mời tới cuộc đối thoại với Ban Quản lý di tích Đường Lâm, lãnh đạo TX.Sơn Tây và lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hà Nội. Tuy nhiên, người dân kéo đến đông hơn rất nhiều, khoảng gấp 3-4 lần con số đó. Và câu hỏi đầu tiên của một người dân quá muốn chất vấn mà quên không giới thiệu tên là tại sao họp dân hôm nay mà không có trưởng thôn, không có bí thư thôn, không có trưởng xóm. “Họ đều là những người hiểu rõ nỗi khổ của người dân khi không được xây dựng, cứ phải ở chật chội”, bà Hà Thị Khanh - người phụ nữ mẹ góa con côi đã bị đập đi tầng 2 ngôi nhà mới ở 2 tháng hồi năm 2010 cho biết.

Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm 

Lý giải cho điều này, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích cho rằng chỉ mời những người đã xác định được từng ký lá đơn xin trả danh hiệu di sản của làng. Những người tuy có tên nhưng không nhận ký, hoặc chưa rõ là ai sẽ không nhận được giấy. Một bậc trọng vọng ở làng, con trai của một cựu bộ trưởng, ông Hà Kế Toán thậm chí còn nêu ra đến mười mấy vấn đề cũng như giải pháp. Bài phát biểu của ông được người dân vỗ tay nhiều lần. Ông Toán nêu những thắc mắc bấy lâu chưa tỏ của ông và nhiều người dân: vì sao số tiền bán vé tham quan Đường Lâm lên tới hàng tỉ đồng mà chia cho xã chỉ vài chục triệu đồng? Cách thu chi sao không công khai để dân biết? Vì sao xây nhà vệ sinh cũng bị cấm đoán? Tại sao không có giãn dân, dân không có tiền để sửa nhà cổ sắp sập thì cũng không cho họ sửa thành nhà cấp bốn?

Không chỉ việc dân sinh, ông Toán còn nói đến những việc rất tâm linh khác: “Tại sao sửa đình Mông Phụ lại xây nhà vệ sinh sau đình mà bao lâu các cụ không cho phép xây? Nhà vệ sinh này khai thác không được sao lại xây thêm ở đầu làng. Bà con thắc mắc ai là người đề xuất? Cái khổ, cái hy sinh của nhân dân với Đảng, với Nhà nước dân có thể chịu được, nhưng cái bất công thì không thể chịu được. Nên cử người Đường Lâm trực tiếp khai thác du lịch có lợi cho dân và đóng thuế cho nhà nước. Tôi đề nghị nên cho đấu thầu khai thác du lịch làng cổ Đường Lâm. Cá nhân hay tổ chức nào về khai thác du lịch thì đấu thầu. Đấy mới là quản lý kinh tế”.

Một số bức xúc về cách khai thác du lịch cũng được đưa ra. Theo bà Trịnh Thị Thuần, con cháu bà ở xa về dự mừng thọ cũng bị bắt phải mua vé vào làng. Bà Thuần còn bức xúc vì có trường hợp khách phóng uế gây ô nhiễm trong làng. Bà cũng không hài lòng khi có bán vé vào lễ chùa ở chùa Mía.

“Muốn giải quyết phải có quy trình”

Trong khi các ý kiến của dân bức xúc đến vậy thì đồng loạt ý kiến lãnh đạo đáp lại đều viện dẫn các văn bản luật và cho biết phải tiếp tục chờ đợi. “Xin bà con hãy bình tĩnh. Chúng ta chịu được 10 năm rồi. Muốn giải quyết phải có quy trình. Chúng ta lại vì tương lai của chính con cháu chúng ta”, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội nói.

Nhưng có lẽ, lý lẽ về tương lai của ông chưa thuyết phục được những người dân dự họp. Bởi tương lai con cháu của họ hẳn phải được tính đếm ngay bằng quyền được ở nhà đủ rộng, không nóng hầm hập và cũng không sắp sập mà chưa có cách gì cải tạo. Khó có thể thuyết phục được về tương lai của con cháu họ khi theo một ý kiến, lớp mẫu giáo giờ đã tới 90 cháu/lớp. “Tôi thực sự không hài lòng về cuộc đối thoại này. Người dân bao giờ được ở đỡ khổ hơn”, vợ chồng anh Phạm Văn Hùng - Nguyễn Thị Hạnh gần như đồng thanh nói. Còn ông Phan Văn Lối thì bức xúc: “Không hài lòng một tí nào, đấy không phải là đối thoại. Chất vấn là phải trả lời cụ thể”.

Tìm cách “cứu” chùa Một Cột

Cuộc tọa đàm về phương án trùng tu, tôn tạo, tu bổ quần thể di tích chùa Diên Hựu - Một Cột đã diễn ra vào hôm qua 15.5 tại UBND Q.Ba Đình, Hà Nội.

Nhà quản lý cho biết trong năm 2009 và 2010 đã cho tu bổ chùa Một Cột, cải tạo hệ thống thoát nước, cây xanh... chứ không phải không quan tâm đến di tích. Theo phương án mới, có tổng kinh phí dự trù là 31 tỉ đồng, cổng Tam Quan, nhà Tam Bảo, nhà Mẫu, chùa Một Cột, tháp Tổ sẽ được tu bổ lại; ngoài ra xây mới nhà Tổ và nhà Tăng, cải tạo hệ thống sân đường dạo, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng. Sư trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột Thích Đức Kiên tạm thời đồng ý với phương án, tuy nhiên, thầy vẫn băn khoăn về giải pháp chống ngập úng và cho rằng nên thay cột bê tông của chùa Một Cột bằng cột đá.

Theo PGS-TS Trần Lâm Biền, chùa Một Cột, chùa Diên Hựu và nhà Mẫu không được thay đổi, làm mới, mà chỉ được “hỏng đâu chữa đó” vì những di tích này mang dấu tích, ý nghĩa lịch sử. Ông cho rằng, không nên thay cột đá, vì nếu làm cột đá, thì chùa Một Cột phải được dựng lại theo kiến trúc từ thời nhà Lý. Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho rằng, cần sắp xếp lại các hàng quán trong khu di tích để không nhếch nhác như hiện nay và xem lại chất lượng đồ lưu niệm bày bán.

Sau khi tập hợp các ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND Q.Ba Đình cho biết, hồ sơ dự án sẽ được hoàn chỉnh trước ngày 30.6 để trình Sở VH-TT-DL Hà Nội và Cục Di sản, đồng thời yêu cầu giải tỏa hàng quán trong khu di tích trước 20.5. Ngoài ra, ông cũng đề nghị nhà chùa có sự phối hợp với cơ quan chức năng, trong đó những vật bài trí trong khu di tích phải theo đúng quy định, không được tùy tiện.

Minh Ngọc

Trinh Nguyễn

>> Chiếm đường làm sân phơi lúa
>> Làm rõ việc thi công đường làm nứt nhà dân
>> Làng cổ Đường Lâm
>> Mộc mạc làng cổ Đường Lâm
>> Công nhận rặng ruối ở Đường Lâm là cây di sản
>> Chuyện hai nữ thạc sĩ Nhật ở làng cổ Đường Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.