Dân lao đao vì dự án thủy điện 'án binh bất động'

Khánh Hoan
Khánh Hoan
29/12/2023 09:11 GMT+7

Được quy hoạch từ năm 2011 nhưng đến nay, 2 dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn 'án binh bất động' khiến hàng trăm hộ dân bị kẹt, sống thấp thỏm, khó khăn trong vùng quy hoạch.

Không điện lưới, không sóng điện thoại

Dự án thủy điện Mỹ Lý và thủy điện Nậm Mô 1 nằm ở thượng nguồn sông Cả (xã Mỹ Lý và xã Tà Cạ, H.Kỳ Sơn), thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Dân lao đao vì dự án thủy điện 'án binh bất động'- Ảnh 1.

Nhà dân ở xã Mỹ Lý nằm trong vùng quy hoạch lòng hồ để xây thủy điện Mỹ Lý

K.H

Được Bộ Công thương thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình vào năm 2016 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao chủ đầu tư phê duyệt dự án để đầu tư xây dựng, thủy điện Mỹ Lý có vốn đầu tư hơn 7.669 tỉ đồng, công suất lắp máy 180 MW; thủy điện Nậm Mô 1 công suất lắp máy 90 MW, vốn đầu tư hơn 2.745 tỉ đồng. Các thủy điện này dự kiến phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, cả 2 dự án vẫn "án binh bất động".

Từ năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi UBND H.Kỳ Sơn đề nghị dừng đầu tư xây dựng hạ tầng ở một số bản thuộc 5 xã Mỹ Lý, Keng Đu, Tà Cạ, Mường Ải và Mường Típ của huyện này để xây dựng 2 thủy điện nói trên. Từ đó đến nay, hàng trăm hộ dân ở các xã này sống trong cảnh thấp thỏm vì dự án "treo lơ lửng".

Xốp Dương và Chà Nga (xã Mỹ Lý) là 2 bản phải di dời toàn bộ 155 hộ dân vì theo quy hoạch đây sẽ là lòng hồ thủy điện Mỹ Lý. Từ nhiều năm qua, ở 2 bản này không được đầu tư hạ tầng, người dân phải sống trong cảnh không điện lưới, không sóng điện thoại, giao thông là những con đường đất.

Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, cho hay người dân ở đây thiếu thốn đủ thứ. Xã muốn đầu tư xây dựng hạ tầng cho dân nhưng bị vướng quy hoạch thủy điện. Mùa nắng nóng, người dân 2 bản này thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt song cũng không thể đầu tư xây dựng nhà máy nước, người dân phải đi xa hàng cây số để lấy nước. Trường học xập xệ, mới đây xã phải kêu gọi các nhóm thiện nguyện đến dựng tạm điểm trường cho học sinh và cây cầu nhỏ cho người dân qua lại. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên nhiều gia đình đã phải bỏ bản đi nơi khác sinh sống.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh, T.Ư rằng nếu tiếp tục dự án thủy điện thì phải sớm thực hiện, nếu không thì hủy bỏ quy hoạch để đầu tư hạ tầng cho người dân hưởng lợi. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì", ông Bảy nói.

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An vào năm 2016, để xây dựng 2 thủy điện nói trên, gần 700 hộ dân thuộc 5 xã nêu trên sẽ phải di dời. Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND H.Kỳ Sơn cho hay số dân phải di dời lớn trong khi mặt bằng để làm khu tái định cư rất hẹp; việc đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi đến nơi ở mới sẽ rất khó khăn, do đó huyện này cũng kiến nghị nên dừng dự án.

Tỉnh muốn dừng, bộ vẫn tiếp tục

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dự án thủy điện Mỹ Lý đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2015 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thủy điện.

Dự án đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch đất rừng phòng hộ sang quy hoạch đất rừng sản xuất, phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân tái định cư... Dự án chưa được khởi công xây dựng do thủy điện này có lòng hồ trải rộng trên phần đất của Việt Nam và Lào. Việc triển khai thực hiện dự án phụ thuộc vào việc ký kết Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, phía Chính phủ Lào chưa tiến hành ký hiệp định nên nhà đầu tư chưa triển khai thi công.

Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư dự án đã nghiên cứu giảm mực nước dâng để dự án nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Trong công văn trả lời ý kiến người dân H.Kỳ Sơn về dự án thủy điện Mỹ Lý vào năm 2022, Bộ Công thương cho biết bộ này đã nhận được nội dung đề xuất điều chỉnh dự án và đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xem xét hồ sơ, lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan.

Sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ Công thương sẽ xem xét quyết định hoặc tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Tiếp đó, bộ này sẽ hướng dẫn, chỉ đạo nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để sớm triển khai thi công.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Nghệ An, năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị đưa 2 dự án thủy điện này ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tuy nhiên, tại tờ trình ngày 11.8.2022 của Bộ Công thương về phê duyệt đề án Quy hoạch điện VIII, dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 vẫn thuộc danh mục các dự án được đề cập tại dự thảo Quy hoạch điện VIII; quy mô công suất điều chỉnh dự án Mỹ Lý từ 180 MW xuống 120 MW, dự án thủy điện Nậm Mô 1 từ 90 MW xuống 50 MW. 

Như vậy, 2 dự án này vẫn tiếp tục thực hiện, tuy nhiên chưa rõ thời gian khởi công và hoàn thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.