Đơn kiến nghị về việc thủ đô London tách khỏi Anh và làm thủ tục xin gia nhập EU đăng trên trang Change.org từ ngày 24.6 đến tối qua đã thu thập được gần 140.000 chữ ký. Kiến nghị do một phóng viên tự do tên James O’Malley lập ra có nội dung nêu rõ: “London là thành phố quốc tế và chúng tôi muốn ở lại trung tâm châu Âu”. Tuy hành động của ông O’Malley chủ yếu mang tính châm biếm và khả năng London ly khai là không thể xảy ra nhưng nó thể hiện hố sâu chia rẽ trong lòng nước Anh sau cuộc trưng cầu lịch sử. Thống kê cho thấy gần 60% cử tri thủ đô ủng hộ ở lại EU. BBC dẫn lời chuyên gia Tony Travers nhận định nền kinh tế, chính trị London, nơi đóng góp 22% GDP cả nước và là một trong những trung tâm tài chính của thế giới, lâu nay đã khác biệt với đa phần còn lại ở Anh và sau cuộc trưng cầu thì chia rẽ càng thêm sâu sắc.
Cùng ngày, Thị trưởng Sadiq Khan tuy không bình luận về lời kêu gọi độc lập nhưng nhấn mạnh London phải có tiếng nói trong các cuộc đàm phán liên quan đến Anh rời EU (Brexit). Là người ủng hộ ở lại, ông Khan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài, giao thương và hội nhập với cả thế giới, bao gồm cả EU”. Cũng trong ngày 25.6, nhiều người đã tổ chức biểu tình trước nhà của cựu Thị trưởng London Boris Johnson, một trong những thủ lĩnh của phe Brexit. Khi xe của ông Johnson rời nhà, đám đông đã chặn đầu xe la ó, khiến cảnh sát phải can thiệp. Chính trị gia này được cho là nhiều triển vọng trở thành thủ tướng mới của Anh, thay thế ông David Cameron vừa tuyên bố từ chức. Nhiều cuộc biểu tình phản đối rời EU khác cũng đã nổ ra ở thủ đô.
Trong khi đó, nguy cơ ly khai lại rất gần hiện thực tại Scotland, nơi 62% cử tri chọn ở lại EU. Hôm qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố nhiều khả năng sẽ tổ chức trưng cầu về độc lập khỏi Anh. “Cuộc bỏ phiếu vừa qua rõ ràng cho thấy Scotland bị miễn cưỡng loại khỏi EU. Điều này là không thể chấp nhận về mặt dân chủ. Một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc rời khỏi Anh nhiều khả năng sẽ xảy ra”, Reuters dẫn lời bà Sturgeon tuyên bố và nhấn mạnh sẽ làm mọi cách để Scotland ở lại EU theo nguyện vọng của phần lớn người dân. Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014 về việc có tách khỏi Anh hay không, đa số dân Scotland chọn ở lại vì muốn được tiếp tục sống trong khối EU. Nay Anh đã quyết định dứt áo khỏi EU thì họ cũng không còn lý do gì để níu kéo. Hơn nữa, một số chính trị gia EU đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Scotland rời Anh. “Châu Âu luôn mở cửa đón tiếp thành viên mới. Điều này là đương nhiên”, Reuters dẫn lời ông Manfred Weber, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu - nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu - tuyên bố.
Hơn 1,5 triệu người kiến nghị trưng cầu lại
Theo tờ The Telegraph, tính đến tối 25.6, đã có hơn 1,5 triệu người vào website quốc hội Anh ký kiến nghị đòi tổ chức trưng cầu dân ý lại về Brexit. Con số này vượt xa mốc cần thiết để buộc quốc hội phải mang vấn đề ra bàn thảo. Kiến nghị lập luận rằng chỉ có 70% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ngày 23.6 và 52% trong số này chọn chia tay EU nên không thể đại diện đầy đủ ý nguyện của người dân. Thống kê cũng cho thấy, hầu hết người ký vào kiến nghị đến từ các thành phố lớn tại Anh và đông nhất là từ London.
|
Bình luận (0)