(iHay) Mưa sao băng Perseids sẽ diễn ra vào rạng sáng 13.8 và sự kiện này đang khiến dân mạng háo hức mong chờ. Suốt những ngày qua, trên các diễn đàn như: thienvanvietnam.org,vacne.org.vn, khoahocthuvi.net, các bài viết về mưa sao băng Perseids trở thành tâm điểm chú ý của thành viên.
Rầm rộ khắp nơi
Hàng ngàn dân mạng trên các fan page như: Hội Thiên văn học VN VACA, Hội Yêu thích thiên văn học, Hội Những người thích tìm hiểu về thiên văn học… bấm like rần rần và nhiệt tình chia sẻ thông tin này. Họ hẹn nhau “phải thức xem mới được”, “không thể bỏ lỡ sự kiện thú vị này”...
Trên trang Hội Những người thiên văn vũ trụ, thành viên Phạm Quang đưa ra ý tưởng vào tối 12.8 sẽ tổ chức cắm trại để không chỉ kết nối những người yêu thiên văn, khám phá thiên văn mà còn cùng nhau chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids. Lời mời này đã nhận được nhiều ủng hộ.
Đây cũng là hoạt động được thành viên diễn đàn vatlythienvan.com,thienvanhanoi.org hưởng ứng. “Chúng ta sẽ cùng đốt lửa trại, vui chơi giao lưu và đợi đến giờ quan sát”, thành viên hienthanh1992 viết.
Quan sát như thế nào?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ VN, cho biết mưa sao băng Perseids có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi 109P/Swift-Tuttle để lại trên quỹ đạo trái đất. Hằng năm, hiện tượng này xảy ra khi trái đất đi tới vùng quỹ đạo chứa những mảnh vụn này. Thông thường toàn bộ hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 17.7 - 24.8 với cực điểm vào rạng sáng 12, 13 và 14.8, được quan sát thấy ở khu vực của chòm sao Perseus, do đó có tên là mưa sao băng Perseids.
Đây được coi là trận mưa sao băng lớn nhất có định kỳ hằng năm với mật độ khi cực điểm vào khoảng 50 đến 100 sao băng mỗi giờ. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần điều kiện thời tiết và khí quyển cho phép thì đều có thể quan sát được.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, không ít thành viên thắc mắc thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids là khi nào? Ông Sơn cho biết: “Rạng sáng 13.8 sẽ là lúc xem lý tưởng nhất. Khoảng sau 1 giờ sáng, hãy nhìn về bầu trời phía đông bắc và tìm chòm sao Perseus”.
Thành viên Trang Thu hỏi trên fan page thiên văn học khám phá vũ trụ: “Để xem mưa sao băng Perseids có cần kính thiên văn, thiết bị hay dụng cụ gì không?”. Ông Sơn cho hay: “Để quan sát hiện tượng này, không sử dụng bất kỳ dụng cụ nào là tốt nhất. Bởi khi sử dụng dụng cụ như kính thiên văn, góc nhìn sẽ tăng lên, qua đó khó có thể theo kịp tốc độ của mưa sao băng”.
Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ VN cũng khuyến cáo việc ô nhiễm khí quyển do ánh đèn, bụi của các thành phố gây ảnh hưởng đáng kể đến việc xem mật độ sao băng nhiều hay ít. Để tránh tình trạng này, ở các thành phố lớn, khi quan sát nên chủ động chọn vị trí có góc nhìn rộng, cao và không có ánh đèn như: sân thượng, ban công các tòa nhà…
Theo tìm hiểu, mưa sao băng Perseids chỉ diễn ra với điều kiện thời tiết không có mưa. Nếu trời có mưa hoặc mây quá dày thì việc quan sát chắc chắn không thực hiện được. Ngay cả với một lớp mây khá mỏng thì số sao băng có thể quan sát cũng giảm đi rất nhiều. Chính vì thế, dân mạng khắp nơi đã và đang cùng nhau ước nguyện “hôm ấy đừng mưa”, “mưa ngày nào cũng được, trừ đêm 12.8 đến sáng 13.8 nhé ông trời”…
Dân mạng háo hức
* “Chắc về quê để xem mưa sao băng là tốt nhất. Vì ở quê không ô nhiễm, mật độ sao băng sẽ nhiều hơn”. (Hiếu Nguyễn/Facebook)
* “Hy vọng ngày ấy trời quang mây tạnh, không gặp bất kỳ khó khăn nào từ thời tiết. Chứ không là uổng công đợi mong cả tháng nay”. (Mạn Sát/Facebook)
* “Làm gì làm nhưng khi ra ngoài trời vào giữa khuya cũng nên biết bảo vệ cơ thể, giữ ấm, tránh sương các bạn nhé”. (dangthuan987/thienvanhanoi.org)
* “Đề nghị các diễn đàn hướng dẫn chi tiết cách quan sát các chòm sao như thế nào chứ em lần đầu chiêm ngưỡng, hơi lúng túng, chẳng phân biệt được các chòm sao”. (quangtinh/thienvanvietnam.org)
|
Bình luận (0)