Facebooker thi nhau đăng ảnh kỷ niệm từng chụp chung với ông Trương Thế Cường (60 tuổi, người bán bóng bay) để bày tỏ sự tiếc thương. “Tạm biệt bố già”, tài khoản Nguyễn Anh Tú đăng kèm tấm ảnh chụp cùng cụ và nhóm bạn. “Tươi cười cả đời, mang tiếng cười cho vô số bạn trẻ ở Hà Nội vậy mà… Tiếc thương ông”, tài khoản Hoàng Minh Tú viết.
"Biết bệnh nặng, đêm nào ông cũng khóc"
Chiều 5.4, gia đình tiễn đưa ông Cường về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Văn Điển (TP.Hà Nội). Cùng thời điểm đó, anh em họ hàng cũng tập trung tại ngôi nhà trên phố Nguyễn Thiện Thuật (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm mâm cơm cúng 3 ngày mất cho ông.
Nói là nhà nhưng chỗ ở của ông chỉ là căn gác nhỏ ở tầng 3, nằm sâu trong con ngõ chật hẹp với diện tích chưa đến 10 mét vuông, trong nhà chẳng có tài sản gì giá trị.
Vừa chuẩn bị đồ lễ cúng cho chồng, bà Tạ Thị Mai (51 tuổi, vợ ông Cường) cho biết, chồng bà bán bóng bay quanh Hồ Gươm được khoảng 20 năm nay. Mỗi khi ở Hàng Đẫy có trận bóng thì bán thêm cờ, vé xem đá bóng kiếm tiền trang trải cuộc sống. Do di chứng từ vụ tai nạn để lại nên từ bé đầu óc ông Cường không được minh mẫn như người bình thường. Năm 35 tuổi, ông kết hôn với bà và có được hai người con trai, đứa lớn sinh năm 1997, đứa thứ hai sinh năm 2001.
|
|
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Mai cho hay cách đây khoảng vài tháng, thấy không khoẻ nên ông có đi khám nhưng về vẫn bảo bình thường. Thời gian gần đây, đau quá ông lại đi bệnh viện nhưng chỉ kéo dài được ít ngày sau đó rồi không qua khỏi. Ông mất bởi căn bệnh ung thư đại tràng, suy thận độ 3.
“Vợ chồng tôi bán bóng lúc được, lúc không, có hôm bán được nhiều thì vài trăm nghìn hôm nào không được thì lỗ vốn nên cứ phải nhờ anh em hết. Đợt Tết, ông ấy còn đi bán bóng ở bờ hồ nhưng gần đây đau quá phải đi bệnh viện. Hôm ông mất, mỗi thằng lớn ở nhà gặp được ông lần cuối, thằng bé thì đi học, ông đi cũng chẳng có lời trăn trối gì. Từ lúc biết bệnh nặng đêm nào ông cũng khóc”, bà Mai cho hay.
|
|
|
Hằng ngày, bà Mai đi bán bóng cùng ông, đứa con trai lớn không được nhanh nhẹn nên vẫn phụ thuộc bố mẹ, không có việc làm. Đứa con thứ hai hiện đang học tại trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa con trai thứ hai của vợ chồng ông ở quê từ nhỏ, được cậu mợ nuôi giúp, lo cho tiền ăn học.
“Nhà cũng là ở nhờ, giờ ông mất tôi vẫn đi bán tiếp nuôi đứa lớn với thằng em đi học. Cậu mợ trợ cấp cho nó tiền to còn ăn uống hằng ngày vẫn phải lo nên phải đi làm”, bà Mai chia sẻ.
“Bác ấy luôn làm điều tốt"
Trước đây, mạng xã hội cũng chia sẻ hình ảnh về ông bán bóng quanh khu vực Hồ Gươm. Nhiều người đồn rằng, mỗi lần không bán được bóng ông đều thả lên trời như muốn gửi đến người con trai đã mất do tai nạn giao thông nhưng anh em, người thân của ông khẳng định điều này là không đúng.
Bà Trương Thị Minh Thu (57 tuổi, em gái ông Cường) chia sẻ, mỗi lần trái gió trở trời, ông Cường không kiểm soát được bản thân nên có những hành động không bình thường như thả bóng lên trời, buộc sau xe đạp cái xoong đi khắp phố… chứ không phải để tưởng nhớ con trai.
Trong ký ức của chị Đỗ Thu Phương (33 tuổi, cháu gái ruột ông Cường), ông là người rất tốt, hiền lành. Hoàn cảnh gia đình ông khó khăn nên cũng không có cuộc sống đủ đầy như bao người khác.
“Bác tôi đi bán bóng bay, bán cờ, thỉnh thoảng làm những điều mình thích, lắm lúc bán bóng ế quá bác ấy thả lên trời. Bác ấy luôn luôn làm điều tốt, ít nói, thảo tính. Bình thường. bác đi bán bóng nuôi gia đình, lo ăn uống hằng ngày. Hồi bé gặp tôi bác cũng cho dù chẳng có nhiều tiền gì”, chị Phương chia sẻ.
“Ông ấy là người biết điều, hiền lành chả bao giờ làm ai phật lòng. Khi ông mất tôi cũng buồn vì hàng xóm mà thỉnh thoảng đi qua đi lại vẫn chào nhau”, bà Nguyễn Thị Thuỷ (50 tuổi, hàng xóm ông Cường) nói.
Bình luận (0)