TNO

Dân mạng tranh luận gay gắt về đề xuất 'quyền được chết'

23/04/2015 09:52 GMT+7

( iHay ) Đề xuất bổ sung quyền được chết của Bộ y tế đang gây tranh cãi trong nhiều ngày qua.

(iHay) Quyền được chết, quyền an tử hay cái chết nhân đạo trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là vấn đề khiến dư luận tranh cãi những ngày gần đây.

 
Dân mạng tranh luận gay gắt về đề xuất 'quyền được chết' - ảnh 1
Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ y tế, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang đề xuất: “Với những người sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng thì nên cho họ có quyền được chết”.
Ngay sau đó, thông tin này đã tạo nên một làn sóng tranh luận gay gắt về việc nên hay không nên đưa luật này vào thực tiễn. Đồng thời cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về cho phép nhân viên y tế thực hiện cái chết nhân đạo thì có vi phạm y đức hay không.
Với những người đồng ý cho phép thực hiện quyền được chết, họ cho rằng đối với những bệnh nhân đang phải chịu quá nhiều đau đớn về thể xác cũng như tinh thần do bệnh tật thì cái chết chính là lối thoát, lối thoát cho cả họ và người thân.
Độc giả có nickname Ánh Trăng lý giải: “ ‘Cái chết có đôi khi là hạnh phúc khi hy vọng sinh tồn đã quá mong manh. Vì nỗi đau bệnh tật luôn song hành nên cái chết là an lành là giải thoát!”.
Hay bạn Thanh chia sẻ: “Quyền được sống, quyền được chết... tại sao không chứ? Bạn hãy thử chứng kiến cảnh người thân của mình quằn quại trên giường bệnh chỉ cầu mong được chết đi... Ai ở hoàn cảnh này rồi thì mới hiểu chết là một sự giải thoát”.
Hiện chỉ có rất ít quốc gia cho phép thực hiện cái chết nhân đạo, gồm Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình. Mặc dù đã trở thành luật và đã mang lại những lợi ích nhất định nhưng “quyền được chết” ở những nước này vẫn gây nên những làn sóng tranh cãi gay gắt thậm chí là biểu tình phản đối.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều người phản đối, lên án "cái chết nhân đạo" là vô đạo đức. Họ cho rằng sự sống con người dù mong manh nhưng phải được tôn trọng cho đến hơi thở cuối cùng. Hơn nữa người Việt ta còn có quan niệm “còn nước còn tát”.
“Sự sống là điều thiêng liêng. Không ai có quyền tước đoạt sự sống của người khác và ngay cả chính mình. Tôi hoàn toàn phản đối cái chết nhân đạo”, bạn Ngọc Mai bình luận.
Thậm chí, nhiều người phản đối vì lo sợ rằng quyền được chết có thể là lỗ hổng pháp lý để những kẻ ác lợi dụng: “Nếu xảy ra trường hợp "tiêm nhầm thuốc' hay những cái chết bất ngờ trong bệnh viện thì "quyền được chết" có thể là cơ hội để y bác sĩ tránh tội”. Hay: “Quyền được chết do ai quyết định? Người sắp chết hay người thân hay bác sĩ? Liệu rằng có ẩn nấp một hình thức được phép giết người?”.
Lại có người phản đối vì cho rằng luật này không hề phù hợp với tiêu chí của ngành y tế cũng như lời thề y đức của các bác sĩ: “Làm thế nào cũng khó cho người làm y quá. Dù là được sự đồng ý của người nhà hay của chính bệnh nhân thì họ vẫn sẽ phải tự tay kết thúc cuộc sống bệnh nhân. Có khi cứ để như cũ, để bệnh nhân tự quyết định vẫn tốt hơn, bác sĩ chỉ đưa ra lời khuyên và trợ giúp thôi”.
"Quyền được chết không phù hợp với tiêu chí của ngành Y tế, dù ai đưa ra cái quyền ấy kể cả người bệnh. Khi cái quyền ấy được thông qua thì ai là người thực hiện? Riêng đội ngũ Y, Bác sĩ chúng tôi xin chịu, chỉ riêng việc chứng kiến người bệnh chúng tôi không cứu được đã là sốc lắm rồi, xin các vị xét cho kỹ vào", một độc giả tự nhận là bác sĩ bày tỏ quan điểm cá nhân
Cũng có những ý kiến không bày tỏ sự đồng ý hay phản đối mà chỉ đưa ra những thắc mắc như: bệnh nhân đồng ý được chết, nhưng ai là người thực hiện điều này, hay cách thức thực hiện quyền này sẽ thế nào nếu được đưa vào thực tiễn.
Từ năm 2005, luật Dân sự đã đề cập đến “quyền được chết”, tuy nhiên lúc đó Quốc hội chưa xem xét. Sau 10 năm, đến thời điểm này, Quốc hội tiếp tục bàn luận về luật Dân sự (sửa đổi), và Bộ Y tế đề xuất đưa “quyền được chết êm ái” vào luật.

Nhật Hạ

>> Vụ 'nướng gà bằng đèn khò': Cục an toàn thực phẩm vào cuộc
>> Cộng đồng mạng thương tiếc cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
>> Những vụ níu kéo tình yêu gây xôn xao cộng đồng mạng
>> 'Quái vật' ở Vĩnh Phúc gây xôn xao trên Facebook

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.