Dân 'mở đường' vào bãi rác, Hà Nội cần 2 ngày để làm sạch TP

15/01/2019 07:47 GMT+7

Ngày 14.1, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, người dân đã giải tán ở cả 2 điểm “chốt” trên địa bàn các xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn và bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trở lại.

[VIDEO] Hà Nội ngập ngụa trong rác thải
Lý giải nguyên nhân người dân giải tán, ông Tuấn cho rằng do “nhận thức được hành vi chặn bãi rác là vi phạm pháp luật; nếu còn tiếp tục họ sẽ bị xử lý”. Ghi nhận tại hiện trường, đến khoảng 17 giờ 50 ngày 14.1, có 4 xe rác được vận chuyển vào bãi. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết công ty cần khoảng 2 ngày để làm sạch TP - với cường độ làm việc gấp rưỡi ngày thường.
Trước đó, sáng cùng ngày, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cũng thúc giục H.Sóc Sơn sớm thuyết phục người dân vì Hà Nội không còn cầm cự nổi trước lượng rác thải khổng lồ mà không có bãi xử lý. “Chúng ta chỉ cầm cự được 3 - 4 ngày. Hôm nay (14.1), đã bước sang ngày thứ 4”, ông Dục nói. Trước tình thế này, lãnh đạo H.Sóc Sơn đã cam kết với Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP cố gắng xử lý xong vấn đề trong ngày 14.1. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với H.Sóc Sơn giải quyết xong vấn đề trong ngày.

Người dân đề đạt 3 nguyện vọng

[VIDEO] Người dân gần bãi rác Nam Sơn vẫn dựng lều chặn xe chở rác vào chiều 14.1.2019
Trả lời Thanh Niên, một số người dân 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ cho rằng vẫn còn những nguyện vọng của dân chưa được TP đáp ứng. Cụ thể, người dân muốn di chuyển đồng loạt tất cả các hộ trong vùng ảnh hưởng; chốt lại thời gian cuối cùng được nhận tiền đền bù, đề nghị lãnh đạo TP “phải cho thấy động thái quyết liệt, cam kết trách nhiệm; đồng thời, đề nghị TP đưa bảng giá “để người dân thảo luận, xem xét trước”.
Một số người dân “mong muốn Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trực tiếp về đối thoại”, bởi theo họ, trước đây Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tuyên bố với người dân hết quý 4/2018 sẽ di dời xong, nhưng đến giờ không có động thái gì.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm tiến độ của dự án, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo: lãnh đạo H.Sóc Sơn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở TN-MT, Sở Xây dựng... một số đầu việc và ấn định ngày cụ thể phải hoàn thành công việc trong quyền hạn, nhiệm vụ được phân công; thời hạn cuối (ngày 30.3), phải chốt phương án đền bù để thực hiện việc chi trả cho người dân trong quý 2/2019.
Văn bản về định mức đền bù cũng được UBND H.Sóc Sơn ban hành vào ngày 13.1, trong đó nêu rõ giá đất nông nghiệp trồng lúa nước và trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản đối với các xã vùng trung du, như: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Minh Phú, Minh Trí là 105.000 đồng/m2; giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm của các xã trên được áp mức 78.000 đồng/m2; đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được áp mức giá 38.000 đồng/m2; mức bồi thường đầu tư vào đất là 50.000 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm, 35.000 đồng/m2 đối với đất nuôi trồng thủy sản (tối đa không quá 250 triệu đồng/chủ sử dụng đất). Ngoài ra, người dân sẽ được đền bù đất ở (theo chính sách hiện hành), hỗ trợ di dời nhà (mức 5 - 8 triệu đồng/hộ), hỗ trợ gia đình chính sách...
 

Nhà máy đốt rác vừa đi vào hoạt động đã hết chỗ chứa tro

Ngày 14.1, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, đã đi kiểm tra và giải quyết việc xử lý tro của Nhà máy đốt rác thải rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ (xã Trường Xuân, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ). Tại buổi làm việc, ông Dũng yêu cầu các sở, ngành và nhà máy tính toán phương án xử lý để tham mưu, đề xuất cho UBND TP. Sở TN-MT phối hợp với nhà máy lấy mẫu tro để phân tích trong thời gian sớm nhất và đề xuất phương án xử lý sau khi có kết quả. Ngoài ra, lãnh đạo TP đề nghị nhà máy tiếp tục triển khai xây dựng bãi chôn lấp tro với diện tích 1 ha giai đoạn 1, thời gian để hoàn thành là 6 tháng, trong thời gian chờ đợi xây dựng bãi chôn, lượng tro tạm thời dùng bạt đậy kín.
Nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ được khởi công cuối tháng 6.2017, do Tập đoàn China Everbright Quốc tế làm chủ đầu tư, mỗi ngày xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 kWh (tương đương 60 triệu kWh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm. Đơn vị quản lý vận hành nhà máy là Công ty năng lượng môi trường EB Cần Thơ.
Mai Trâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.