Dân mỏi mòn chờ đền bù chênh lệch đất

Khánh Hoan
Khánh Hoan
16/06/2023 08:16 GMT+7

Sau 15 năm di dời để nhường đất xây thủy điện Bản Vẽ (H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An), hàng nghìn hộ dân vẫn mòn mỏi chờ được đền bù tiền chênh lệch đất giữa nơi đi và nơi đến.

Quỹ đất hạn chế, người dân gặp khó

Năm 2008, để lấy đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ, 2.910 hộ dân ở 4 xã của huyện miền núi Tương Dương phải di dời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương để đến khu tái định cư (TĐC) ở H.Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) cách đó khoảng 150 km. Bốn xã của H.Tương Dương bị xóa sổ, 2 xã mới là Ngọc Lâm và Thanh Sơn được lập ở H.Thanh Chương làm nơi cư ngụ cho người dân.

Dân mỏi mòn chờ đền bù chênh lệch đất - Ảnh 1.

Sau 15 năm di dời để nhường đất xây thủy điện Bản Vẽ, cuộc sống của người dân ở khu TĐC vẫn đang rất khó khăn

K.HOAN

Thời điểm đó, có 236 hộ có nguyện vọng được di dân tự do nên đã được thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai. Trong khi 2.674 hộ còn lại chuyển về khu TĐC ở xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn, đến nay vẫn chưa được bồi thường diện tích đất chênh lệch giữa khu TĐC và nơi ở cũ.

Một lãnh đạo H.Tương Dương cho biết, do khu TĐC ở H.Thanh Chương chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa có số liệu tính bù trừ chênh lệch giá trị về đất nơi đi, nơi đến. Thậm chí, công tác chia đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, đại diện UBND H.Thanh Chương lại cho rằng do chưa hoàn thành công tác rà soát, cân đối lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã chia cho người dân nên chưa thể kê khai để cấp "sổ đỏ" cho người dân. Vị này cũng cho biết, công tác rà soát này đang được tiến hành, tuy nhiên do công việc khá phức tạp nên tốn nhiều thời gian.

Bà Vi Thị Tâm (trú xã Ngọc Lâm) cho biết, nơi ở cũ hầu hết các hộ gia đình đều có diện tích đất ở và đất sản xuất lớn. Tuy nhiên, khi đến khu TĐC, đất được chia lại ít vì quỹ đất hạn chế khiến người dân gặp khó. 

"Cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng hỏi nhưng đến nay vẫn chưa thấy được đền bù. Xuống đây, cuộc sống khó khăn hơn nên chúng tôi rất cần được đền bù để trang trải cuộc sống", bà Tâm nói.

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, cho biết mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập tổ công tác để giải quyết tồn tại này. Qua kiểm tra thực địa và làm việc với các bên liên quan, tổ công tác đã đề nghị UBND các huyện và chủ đầu tư thủy điện lập phương án bồi thường chênh lệch đất để bồi thường cho những hộ dân đã hoàn thành việc đo đạc. Các hộ dân chưa có "sổ đỏ", huyện cần đẩy nhanh tiến độ đo đạc, làm thủ tục để cấp cho dân và làm căn cứ để bồi thường chênh lệch đất.

Đề nghị bồi thường đất trên cốt ngập nước

Liên quan tới công tác bồi thường của dự án thủy điện Bản Vẽ, theo tìm hiểu của Thanh Niên, UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bồi thường, hỗ trợ đất trên cốt ngập ở dự án thủy điện Bản Vẽ. Dự án này đã đi vào vận hành khai thác từ năm 2010, tuy nhiên hiện nay vẫn đang gặp vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập đối với dự án.

Văn bản này cho biết, các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án thủy điện đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 5 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.

Cụ thể, tại khoản 3 quy định hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định số 112 năm 2008 của Chính phủ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5 km trở lên, bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Còn tại khoản 4 quy định hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định số 112 năm 2008 của Chính phủ, có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5 km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 điều 23 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg thì các dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành (ngày 15.1.2015 - PV) thì không áp dụng theo quyết định này.

Dự án thủy điện Bản Vẽ đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vào năm 2005 và được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) thống nhất quy định tạm thời về bồi thường, di dân tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ năm 2005; trong đó, chỉ được bồi thường về đất đối với các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án (phạm vi ngập lòng hồ, dưới cao trình 200 m). Vì vậy, đối với các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án này không đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất.

Cũng theo văn bản này, trên thực tế, khi triển khai theo chủ trương của dự án, những hộ dân có đất ở và đất sản xuất nông nghiệp nằm trên cốt ngập lòng hồ thủy điện đều phải di dời, không thể ở lại hoặc quay về sản xuất trên phần đất này. Mặt khác, đến nay công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất đối với dự án thủy điện Bản Vẽ vẫn chưa hoàn thành.

UBND H.Tương Dương chưa phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ về đất để làm cơ sở bố trí kinh phí chi trả cho người dân. Do đó, cần thiết phải thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trên cốt ngập để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến tương tự như các hộ dân thuộc diện TĐC trong phạm vi ngập lòng hồ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.