Sống gần khai trường của Công ty Mông Dương và một bãi thải khổng lồ, nhiều ngôi nhà của gần 30 hộ dân tổ 2 có móng bị lún, trần bị rạn, tường bị nứt, có thể thò tay qua vết nứt được. Một trong các hộ ấy là nhà anh Nguyễn Huy Thưởng, 35 tuổi.
Anh Thưởng cho biết, hơn một tháng nay phải ở nhờ nhà anh họ vì căn nhà 2 tầng của gia đình anh xuất hiện nhiều vết rạn nứt, một mảng tường lớn còn đổ sập vào giường ngủ sau một vụ nổ mìn trong mỏ chiều ngày 2.4, rất may không trúng vào ai. Anh Thưởng còn phải dùng gỗ chống lên trần cho khỏi sập và viết cảnh báo trên tường để người thân tránh xa.
Một người dân tổ 2 khác là ông Trần Văn Tuyến (60 tuổi) thì sống trong căn nhà ở khu tập thể xây dựng từ thời Pháp thuộc và chằng chịt vết rạn nứt, tường bếp nghiêng hẳn ra ngoài. Mỗi lần trong mỏ nổ mìn, cánh cửa lại rung lên bần bật, mọi người phải chạy ra ngoài. Ông Tuyến cho biết, gia đình sợ nhất là khi trời đổ mưa, những ngôi nhà trên cao nếu bị sập sẽ trôi luôn xuống dưới, chôn vùi các nhà khác. "Chúng tôi đang tiến thoái lưỡng nan, muốn chuyển đi thì không có tiền, mà ở thì nơm nớp lo sợ”, ông Tuyến than thở.
Tương tự hộ anh Thưởng, ông Tuyến, nhà chị Bùi Cẩm Thủy (33 tuổi) phải bỏ không một phòng ngủ vì móng nhà bị biến dạng, tường nứt lộ khe hơn 5 cm, có thể thò tay qua được. “Nhà tôi mới xây dựng năm 2011, khá kiên cố nhưng đã bị nứt, lộ cả dây điện ngầm, cánh cửa sổ không kéo vào được. Hai đứa con không dám ngủ trong phòng”, chị Thủy nói.
Hầu hết các hộ dân ở tổ 2 đều là công nhân của chính mỏ than Mông Dương nên tình trạng nứt nhà đã được phản ánh nhiều lần tới lãnh đạo mỏ và chính quyền địa phương. Theo anh Thưởng, gia đình anh là một trong 17 hộ dân của tổ 2 thuộc diện phải di dời trước mùa mưa bão năm 2016. Tuy nhiên, có nhiều hộ bị nứt nhà nhưng chưa được di dời như gia đình ông Tuyến, chị Thủy…
Ngoài chuyện nổ mìn khiến nhà bị nứt, những hộ dân tổ 2 còn cho biết phải sống trong cảnh ô nhiễm khi gió thổi bụi than mù trời, nhất là vào mùa hè oi nóng và mùa đông khô hanh. Thay vì quét sơn, vôi ve, các hộ dân đều ốp gạch hoa quanh tường để tiện việc lau chùi.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Bền, Phó giám đốc Công ty Mông Dương, việc một số nhà dân bị rạn, nứt không hẳn là do ảnh hưởng của mìn nổ, mà có thể còn do xây dựng lâu năm, xây dựng không có thiết kế, hoặc cơi nới, chắp vá.
Ông Bền cho biết, khu vực khai thác của công ty cách khu dân cư hơn 200 m, trong khi theo quy định thì công ty được phép nổ mìn trong bán kính 80m. Khi nổ mìn, doanh nghiệp này cũng thông báo với địa phương và người dân biết, nhưng từ ngày 13.4 đến nay, công ty cũng đã dừng nổ mìn theo yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, ông Đinh Ngọc Chiến, Chánh văn phòng HĐND, UBND TP.Cẩm Phả, TP cho biết đã làm việc với Công ty Mông Dương về việc hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân, tổng số tiền dự kiến khoảng 30 tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang kiểm kê tài sản và lên phương án bồi thường cho 17 hộ dân di dời.
Bình luận (0)