Hằng năm, có hàng ngàn người từ bỏ quốc tịch Mỹ. Nguyên nhân có lẽ là mức thuế lợi tức cao. Các dữ liệu chính thức cho thấy hơn 1.100 người đã từ bỏ nước Mỹ trong năm 2012.
|
Xu hướng đang tăng
Trước đó, theo kênh truyền hình Russia Today, có 1.781 công dân Mỹ đã từ bỏ quốc tịch trong năm 2011. Đây là con số kỷ lục kể từ khi Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) công bố danh sách những người từ bỏ quốc tịch vào năm 1998. Nó cao hơn gần 8 lần so với số công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch năm 2008 và nhiều hơn tổng số người từ bỏ quốc tịch Mỹ các năm 2007, 2008 và 2009 cộng lại.
Hiện nay, hơn 6 triệu công dân Mỹ đang sinh sống ở nước ngoài. Tất cả những người này đều có trách nhiệm phải nộp thuế cho Mỹ. Vấn đề là ở chỗ Mỹ đánh thuế công dân không phụ thuộc vào nơi sinh sống thực tế của họ. Do đó, những người này buộc phải nộp thuế ở Mỹ cũng như ở đất nước họ sinh sống thực tế. Trang web Dni.ru khẳng định Mỹ là quốc gia phát triển công nghiệp duy nhất trên thế giới bắt buộc công dân nộp thuế lợi tức ngay cả khi họ sinh sống ở ngoài nước. Trong số 34 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Mỹ là nước duy nhất đánh thuế công dân bất kể họ sinh sống ở đâu trên trái đất này.
Tạp chí Time lưu ý rằng chưa đầy 2.000 người từ bỏ quốc tịch mỗi năm trong tổng số hơn 6 triệu người Mỹ ở nước ngoài không phải là con số quá cao. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ ngày càng có nhiều người Mỹ hơn vẫy chào tạm biệt quốc gia hùng mạnh nhất thế giới nếu chính phủ liên bang cứ duy trì chính sách đánh thuế cao công dân Mỹ ở nước ngoài.
Gánh nặng từ thuế
Trong một bản báo cáo gần đây, IRS nêu rõ: “Tính chất phức tạp của luật thuế quốc tế, cộng với gánh nặng hành chính đè lên vai người nộp thuế, đã tạo ra một môi trường sống quá sức chịu đựng đối với những người đóng thuế. Đối với một số người Mỹ ở nước ngoài, luật lệ về thuế là một gánh nặng đến mức họ phải từ bỏ quốc tịch”.
Trong vòng 25 năm qua, đã có một số triệu phú và tỉ phú từ bỏ quốc tịch Mỹ. Trong số này có thể kể đến Ted Arison, nhà sáng lập đã quá cố của Công ty Carnival Cruise Lines và Michael Dingman, cựu giám đốc Công ty Ô tô Ford. Theo hãng tin Reuters, trong mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều triệu phú và tỉ phú Mỹ tự nguyện từ bỏ nước Mỹ để giữ thu nhập của họ. Luật sư Matthew Ledvina, chuyên về thuế, giải thích: “Mỗi một USD anh tiết kiệm được, anh lại nộp cho người thu thuế. Đó là lý do vì sao người ta từ bỏ quốc tịch”.
Luật sư Ledvina cho biết ngày càng nhiều ngân hàng không phải của Mỹ bị Washington gây áp lực tiết lộ số tiền mặt của khách hàng Mỹ. Hậu quả là ngày càng ít ngân hàng muốn làm việc với công dân Mỹ dù họ có hàng triệu hay hàng tỉ USD để gửi vào ngân hàng.
Đạo luật về tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) đã được sửa đổi năm 2010 với những mức phạt nghiêm ngặt hơn đối với công dân Mỹ sống ở nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng được yêu cầu trích lấy 30% từ những khoản chi liên quan đến Mỹ từ những người không cung cấp đầy đủ thông tin cho IRS về thu nhập của họ, bất kể bằng cách nào và ở đâu.
Theo Ngô Sinh / Người Lao Động
>> Tỉ phú Mỹ đòi nâng thuế đánh vào giới nhà giàu
>> Tỉ phú Mỹ tiết lộ bí quyết làm giàu
Bình luận (0)