Người sáng chế ra nhạc cụ này là nghệ nhân, nhạc sĩ Phạm Chí Bích.
Đây cũng là lần đầu tiên nghệ nhân Phạm Chí Bích giới thiệu đàn nón với công chúng, sau khi hoàn thành tác phẩm ba tháng trước đó.
Từ ý tưởng mang tính cộng đồng...
Ông Phạm Chí Bích cho biết, ý tưởng sáng chế cây đàn nón ra đời cách đây gần 5 năm. Là thành viên trong đoàn nghệ thuật Công an Nhân dân, được đi biểu diễn nhiều nơi, ông Bích nhận thấy tiết mục múa nón mang đặc trưng rất rõ nét của nghệ thuật dân tộc. Ý tưởng về chiếc đàn có hình dạng giống cái nón với hình dáng tròn đều, cùng với đỉnh chóp mang tính biểu trưng sum họp, quy về một mối đã ra đời từ đó.
Trong quá trình sản xuất, tìm cây đàn nào có thể nhiều người chơi, ông phát hiện đàn tranh là phù hợp hơn cả bởi hình dáng có thể cải tiến theo hình chiếc nón và đây cũng là loại đàn dây, phù hợp với ý tưởng về chiếc đàn nón sẽ có số dây nhiều nhất từ trước đến nay. Dựa theo hình dáng cũng như nguyên lý để chơi đàn tranh, ông cải tiến phát triển về kiểu dáng, âm thanh, để nhiều người cùng chơi trên cây đàn đó.
...đến nhạc cụ độc đáo
Trong căn phòng nhỏ trên gác 4 của ngôi nhà số 9 Hàng Nón (Hà Nội), chiếc đàn nón duy nhất của nghệ nhân Phạm Chí Bích nằm giữa hàng loạt các nhạc cụ dân tộc mà gia đình ông chế tác.
Trong số đó, đàn nón trông nổi bật hơn cả bởi nó to nhất, cao nhất và lạ mắt nhất. Phải nói thêm rằng, gia đình ông là gia đình có truyền thống sản xuất, chế tác các nhạc cụ dân tộc. Cha ông là cụ Phạm Chí Tình, nghệ nhân làm trống dân gian nức tiếng của làng trống Đọi Tam (Hà Nam).
Đàn nón là nhạc cụ thuộc họ dây, chi gảy, có 170 dây được chia thành năm phần đều nhau theo phương thẳng đứng. Hộp cộng hưởng có hình chóp nón, đáy đàn có đường kính 100cm. Mặt đàn được làm từ gỗ ngô đồng, có màu trắng, nhìn từ xa trông giống như lá cọ trắng, nguyên liệu để làm ra chiếc nón truyền thống của ta.
Để chơi được đàn nón cần 5 người chơi cùng lúc, thậm chí 10 người cũng có thể cùng chơi, mỗi người chơi trung bình 34 dây. Người chơi đàn có thể đứng hoặc ngồi. Lối chơi phối hợp hai tay giống như đàn tranh truyền thống, nhưng đàn nón lại có thể đổi thủ pháp chơi tay phải, tay trái cho nhau một cách dễ dàng, uyển chuyển.
Ông Bích cho biết: "Điểm nổi bật của đàn nón không chỉ ở số lượng lớn dây đàn mà còn ở âm thanh khá đặc biệt. m thanh của đàn nón trong trẻo, thanh mảnh, réo rắt, có sức âm vang lớn. Khi năm người chơi cùng lúc, nhưng mỗi người có thể chơi phân phổ riêng, có thể hoà tấu, hoà thanh tạo nên âm thanh cộng hưởng".
Cái khó khi chơi đàn nón là người chơi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người chơi. "Chơi đàn nón cũng giống như hát tốp ca vậy. Năm người phải vào cùng lúc, các giai điệu trong bản nhạc phải khớp nhau. Năm người phải như một người chơi bởi nếu chỉ cần lạc điệu đi một chút, hay người nhanh người chậm thì người nghe sẽ phát hiện ra" - ông cho biết thêm.
Sự sáng tạo ra đàn nón đã góp phần - nói như nhạc sĩ Thao Giang, -là "sự kiện đánh dấu một bước tiến mới cho nền nhạc cụ VN. Đây là kết quả lao động sáng tạo của người nghệ sĩ, người nghệ nhân của làng nghề VN thời kỳ đổi mới".
Theo Sơn Lâm / Lao Động
Bình luận (0)