Đàn ông, coi chừng những vòng tay từ phía sau

27/03/2016 10:01 GMT+7

Có người bạn nam từng nói với tôi rằng, với anh, một vòng tay từ phía sau có khi “nguy hiểm” hơn cả một chai rượu mạnh hay cử chỉ lả lơi mời gọi.

Có người bạn nam từng nói với tôi rằng, với anh, một vòng tay từ phía sau có khi “nguy hiểm” hơn cả một chai rượu mạnh hay cử chỉ lả lơi mời gọi. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Cô bạn thân của tôi thì bảo, khoảng trống sau lưng của người đàn ông còn yếu đuối và nhạy cảm hơn cả tấm lưng nhỏ bé của phụ nữ. 
Nơi đó tưởng chừng như ít tập trung những tế bào thần kinh cảm thụ nhưng thật ra lại là nơi dễ chạm đến trái tim và tâm hồn nhất. Ngẫm nghĩ kỹ thấy đúng thật…
Thông thường tấm lưng hay khuôn ngực của người đàn ông là nơi vững chắc để người phụ nữ của họ tựa vào và là nơi gần như không thể tỏ ra yếu đuối. Thế nhưng, thói thường những con người bề ngoài càng rắn rỏi mạnh mẽ bao nhiêu thì ở nơi sâu thẳm tâm hồn họ lại càng mong manh dễ vỡ bấy nhiêu. Có thể đó là luật bù trừ của tạo hóa, cũng có thể là do tính đối kháng nhằm cân bằng giữa hai trạng thái dị biệt.
Cũng chính người bạn nam ấy kể với tôi rằng anh suýt chút đã đánh mất hạnh phúc và cuộc hôn nhân vô cùng viên mãn của mình bởi một vòng tay từ phía sau như thế. Một ngày cô bạn đồng nghiệp bất ngờ ôm lấy anh từ phía sau lưng khi anh chở cô ta đi công việc. Anh từng chở cô nhiều lần trước đó nhưng chưa bao giờ thấy có chút xao xuyến hay rung động nào, vậy mà chỉ một vòng tay từ phía sau lại khiến anh chao đảo.
Anh nhớ rằng vợ anh chưa bao giờ ôm chồng từ phía sau, chưa từng coi tấm lưng ấy là nơi xứng đáng được chăm sóc nâng niu. Kỳ lạ thay, cảm giác ấy khiến anh thấy mình run rẩy, như có luồng điện chạy qua người, như cái lần đầu tiên biết nắm tay con gái.
Anh bắt đầu thấy vợ mình tẻ nhạt và “thiếu gia vị”, rồi anh bắt đầu chú ý đến cô bạn đồng nghiệp. Anh bảo, cũng may mà anh đã kịp dừng lại khi chưa quá muộn, và từ đó trở đi anh tự hứa không bao giờ để bất cứ người phụ nữ nào khác ngoài người thân ngồi sau xe mình nữa.
Anh Thắng, đồng nghiệp của tôi từng bảo, anh hiểu rõ sức mạnh của vòng ôm từ phía sau từ những ngày du học Mỹ. Một lần, anh xem đoạn quảng cáo… trong đó có hình ảnh một người chồng đang đứng nấu ăn, cô vợ nhẹ nhàng đi đến và vòng tay ôm từ phía sau. Anh có ấn tượng mạnh mẽ với đoạn phim ấy và với anh đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của đời sống hôn nhân.
Hôm sau đó, lớp anh có buổi thảo luận đề tài mở, anh đã thử làm một nghiên cứu nhỏ về hành động ôm từ sau lưng của một người dành cho đối tượng khác giới. Kết quả là hầu hết bạn bè anh đều đồng ý rằng đó là một cử chỉ dễ khiến người nhận ngất ngây không kém gì một nụ hôn nồng nàn.
Anh bảo, ngay cả người Mỹ hay Âu cũng không thoáng hay tự do như trong suy nghĩ của người châu Á nói chung và VN nói riêng, khi đánh giá về họ. Họ chỉ dành những cử chỉ thân mật và vòng ôm từ phía sau cho người thân. Họ cũng không dễ dàng để cho ai đó ngồi sau tay lái hay có cơ hội tiếp cận với khoảng trống sau lưng họ.
Những người sống nghiêm túc cho rằng một cái ôm xã giao khi mặt đối mặt là thứ dễ dàng chia sẻ, nhưng vòng tay từ phía sau là món quà mà người ta dành riêng cho một nửa yêu thương hay giữa những người thân, rất thân.
Qua những câu chuyện, mới thấy có những điều tưởng chừng nhỏ lại không hề nhỏ, và những phạm trù hẹp có khi lại rộng lớn đến không ngờ. Trộm nghĩ, đúng thật con người chính là tạo vật hoàn hảo nhất hành tinh khi biết phân biệt, quy ước những hành vi thành giá trị và biết đặt ra những ranh giới cho các mối quan hệ… mà có lẽ cũng chính từ đó nảy sinh những tranh cãi, rắc rối.
Hy vọng rằng vòng tay từ phía sau sẽ chỉ dành cho những “tình yêu hợp pháp”, như một ai đó từng nói: “Tình yêu, trước hết cần phải hợp lẽ và hợp pháp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.