Đôi vợ chồng cưới nhau đã được sáu năm, có một con trai và một con gái chênh nhau 3 tuổi. Chồng làm ở cơ quan nhà nước với đồng lương khiêm tốn, như anh hay nói đùa với đồng nghiệp: “Hôm nào lĩnh lương về, đi rón rén từ cửa vào nhà, ngoan ngoãn móc hết tiền trong ví để vào ngăn kéo tủ - vị trí mà vợ quy định. Rồi cả ngày đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Vợ là cô giáo cấp 1, nhưng thu nhập hằng tháng đủ để “vênh mặt” với khoản lương hẻo của chồng.
Để “cân lại độ vênh” của vợ, anh cũng xoay xở, xuôi ngược để kiếm thêm thu nhập. Hai vợ chồng góp vốn và vay mượn đầu tư một chiếc ô tô 12 chỗ, để cậu em vợ đứng tên kinh doanh chuyên chở khách đi du lịch, tiền lãi chia theo tỷ lệ phần trăm cho hài hòa đôi bên. Qua một thời gian kinh doanh, thu nhập cũng kha khá, vợ chồng vay thêm họ hàng một món nợ cũng kha khá, cất được ngôi nhà khang trang.
|
Thế nhưng chỉ đến thế, sau thời kỳ ăn nên làm ra thì khách khứa thuê xe cũng thưa dần, cả tháng chẳng ai thuê, thu nhập giảm hẳn. Cô vợ sốt ruột với các khoản nợ mua xe, xây nhà, bắt đầu lao vào làm thêm. Cứ có công việc nào tạo ra thu nhập là cô tận dụng mọi khoảng thời gian, bỏ cả nhà cửa, chồng con để đi kiếm tiền trả nợ, về đến nhà là lạnh lùng với chồng, thờ ơ với con. Anh chồng bất đắc dĩ trở thành người nấu cơm, rửa bát, quét nhà, chăm sóc con cái, đưa đón con đi học... Nhiều lúc ấm ức ngồi bên mâm cơm nguội ngắt chờ vợ mãi không thấy về, anh cũng định “lành làm gáo, vỡ làm môi”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại “vợ vất vả cũng chỉ vì gia đình”, vả lại nhìn hai đứa con còn non nớt nên anh hết sức kiềm chế, tìm cách cải thiện tình hình.
Anh hạn chế tối đa các khoản chi cá nhân để tiết kiệm tiền bạc, đỡ đần cho chị trang trải bớt nợ. Không chỉ kiềm chế hết những bực dọc, bức xúc của người đàn ông cứ phải gánh vác những việc lặt vặt không tên nhưng không kém phần nặng nhọc của công việc nhà, trái lại anh còn nhẹ nhàng hơn, quan tâm hơn đến vợ. Chị về nhà lúc nào nhà cửa cũng sạch sẽ, gọn gàng, cơm dẻo, canh ngọt. Thấy vợ đi làm về muộn với thái độ mệt mỏi, cáu gắt, anh lặng lẽ ra dắt xe vào nhà giúp vợ, mang cốc nước hoa quả pha sẵn ra để chị giải nhiệt và ân cần hỏi han chị có mệt không, công việc có khó khăn, vướng mắc gì không?... Anh còn nhắc khéo: “Các con ăn cơm, học bài xong rồi, chúng cứ hỏi mẹ đi làm về muộn thế có vất vả không? Chờ mãi không thấy mẹ về chúng đã đi ngủ và nhờ bố hỏi thăm mẹ”. Và lần nào cũng vậy, dù chị về muộn cỡ nào anh cũng nhất quyết chờ chị về mới ăn cơm tối.
Có lần, do mải lo làm việc kiếm tiền đến mức quá tải, chị lăn ra ốm. Anh nghỉ phép hẳn hai ngày ở nhà chăm vợ ốm, tận tình, chu đáo, nhẹ nhàng, nhẫn nại cả với những bực dọc, cáu kỉnh vô cớ của người đang khó ở. Mọi sinh hoạt: ăn uống, vệ sinh, giặt giũ... của chị đều một tay anh. Ai đến thăm cũng đều phải nói nhỏ với chị, rằng chị có một người chồng hết lòng như thế là “của hiếm” đấy, chị “liệu” thế nào mà “xử sự cho phải lẽ”...
Cứ rỉ rả “mưa dầm thấm lâu” như thế, chị vợ cũng bắt đầu băn khoăn, suy nghĩ và cảm thấy mình đúng là có lỗi với chồng, với con, cả ngày chỉ nghĩ đến tiền bạc, đến nợ nần mà bỏ bê gia đình, nhà vắng bếp lạnh. Và chị giật mình “May mắn làm sao chồng mình lại nén giỏi thế, chịu đựng tài thế?! Nếu ông ấy mà như những ông chồng khác nổi khùng lên hoặc tung hê đi tất cả thì nhà cửa bây giờ ra sao? Không những thế, ông ấy còn nhóm lên ngọn lửa ấm áp trong nhà để hâm nóng không khí gia đình mà lẽ ra đó mới chính là việc của mình”.
Bùi Thúy Hạnh
>> Bếp ấm trong mùa lạnh
>> Áo ấm mùa đông đến với học sinh Lâm Đồng
>> Bí quyết tạo điểm tựa tài chính cho hạnh phúc gia đình
Bình luận (0)