Hôm nay 12.11, QH sẽ có phiên thảo luận toàn thể cuối cùng, trước khi thông qua luật Trưng cầu ý dân vào ngày 26.11. Các nhóm vấn đề trưng cầu ý dân vốn không gây tranh cãi nhiều, nhưng chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân thì lại khác.
Cho đến nay, phương án (duy nhất) được Ủy ban Thường vụ QH lựa chọn là chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân bao gồm: Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH. Không mở rộng chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như nhiều đề nghị trước đó.
Nếu quyết theo hướng này, có nghĩa rằng luật Trưng cầu ý dân tiếp tục lựa chọn dân chủ đại diện, thay vì dân chủ trực tiếp như thuộc tính của trưng cầu dân ý. Người dân được hỏi ý kiến về những vấn đề mà người đại diện cho mình (QH), hoặc do mình ủy quyền (Chủ tịch nước, Chính phủ) lựa chọn, chứ không trực tiếp đề xuất những vấn đề mà dân (nhận thấy) cần phải quyết.
Luật Trưng cầu ý dân là để nhằm giải quyết 2 chuyện: dân quyết cái gì và quyết như thế nào? Một số đại biểu hoàn toàn đúng khi đề nghị: QH có quyền quyết định trưng cầu dân ý, nhưng QH cần phải biết người dân muốn quyết định những vấn đề gì? Do vậy, luật Trưng cầu ý dân không chỉ quy định quyền của người dân khi thực hiện trưng cầu ý dân, mà phải làm rõ, người dân có quyền đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu. Tuy nhiên, hiện dự thảo luật hoàn toàn không có cơ chế để người dân kiến nghị những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.
Cũng giống như bầu cử, phải qua hai giai đoạn gồm chọn ứng viên và cử tri bỏ phiếu, trưng cầu ý dân cũng qua công đoạn đề xuất nội dung cần trưng cầu, rồi mới đến bỏ phiếu. Không cho người dân quyền đề xuất nội dung trưng cầu, cũng giống như không được chọn ứng viên. Trong luật, người dân không có quyền gì khác, ngoài việc đi bỏ phiếu với vai trò một cử tri. Kết quả bỏ phiếu do đó cũng mất đi một nửa ý nghĩa của việc dân quyết.
Luật ra đời là để phục vụ nhân dân, vì vậy cần thiết phải bổ sung các điều luật thể hiện quyền cơ bản của người dân như đưa sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát việc tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch. Chỉ điều đó mới giúp luật Trưng cầu ý dân thực chất, cũng như đề cao vị thế, vai trò của nhân dân như tinh thần Hiến pháp 2013 đã xác định.
Bình luận (0)