Dân sẽ mất quyền giám sát

09/04/2017 06:16 GMT+7

Dư luận đang rất quan tâm về bản dự thảo “Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”.

Quan tâm vì nếu nghị định này được ban hành sẽ tước đi công cụ, “vũ khí" là camera, máy ghi âm, ghi hình mà nhân dân, báo chí, người dùng mạng xã hội thường sử dụng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm, giám sát người thừa hành công vụ.
Theo nội dung dự thảo nghị định thì chỉ 3 nhóm đối tượng được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là: cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, hoặc cơ sở được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chấp thuận (khoản 4 điều 6 dự thảo nghị định); và nguyên tắc hoạt động, quản lý thì “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Trong khi đó, ghi âm, ghi hình không chỉ là công cụ giúp ghi lại các thông tin quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà còn là kênh phản ánh chân thật những hoạt động diễn ra của cán bộ thực thi nhiệm vụ đến cơ quan chức năng quản lý giám sát cấp trên, đến nhân dân. Nếu việc ghi âm, ghi hình không được phép thì cơ quan thẩm quyền khó có thể thực hiện tốt quyền thưởng, phạt công minh, nhân dân mất đi quyền được giám sát.
Theo dự thảo nghị định thì các tổ chức, cá nhân và giới báo chí không được phép mua bán, sử dụng các thiết bị nghe nhìn. Trong khi việc ghi âm, ghi hình của người dân, của phóng viên báo đài là kênh phòng chống tội phạm hữu hiệu, đặc biệt trong tình hình Chính phủ rất cần tham vấn các nguồn thông tin báo đài và các trang mạng xã hội trong việc điều chỉnh, ban hành chính sách.
Thời gian qua, báo chí, người dân đã cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh hữu ích liên quan đến tham nhũng, an ninh và trật tự trị an... có tác dụng tích cực, là cơ sở ban đầu giúp cơ quan chức năng trong việc đấu tranh và phòng chống tội phạm. Dự thảo nghị định hạn chế đối tượng được phép sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kênh phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, dự thảo có nhiều chỗ còn chưa phù hợp với các bộ luật và Hiến pháp hiện hành. Các phóng viên, nhà báo hoạt động tác nghiệp trong các thể loại báo chí điều tra buộc phải sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình. Nhiều trường hợp phải bí mật nên cần ngụy trang cho các thiết bị này. Nếu quy định chỉ có cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thì vô hình trung đã hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí, vi phạm luật Báo chí.
Theo bộ luật Tố tụng dân sự 2015 tại các điều 94 và điều 95, người dân có quyền thu thập chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền lợi và trình lên cơ quan có thẩm quyền, trong đó có phương pháp ghi âm, ghi hình. Dự thảo nghị định hạn chế đối tượng thu thập chứng cứ rõ ràng xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Dự thảo cũng còn nhiều vấn đề cần bàn, chẳng hạn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ độc quyền kinh doanh các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình... do đó nếu được ban hành thì rất khó nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các tầng lớp nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.