|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, sáng 27.10, trên QL1 đoạn từ cầu Bàu Giang (TP.Quảng Ngãi) đến trụ sở UBND H.Tư Nghĩa (dài khoảng 3 km) bị người dân Nghĩa An “phong tỏa”, căng dây chặn không cho phương tiện qua lại.
Công an Quảng Ngãi đã điều động cán bộ, chiến sĩ tập trung phân luồng, hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi theo đường vòng để lưu thông.
Trước đó, chiều 26.10, khi 3 công nhân của Công ty CP Trường Phát Lộc, gồm Nguyễn Đình Nhân (24 tuổi), Trần Hùng Hoàng Hải (34 tuổi) và Nguyễn Minh Hoàng (37 tuổi) đến trạm biên phòng đóng ở xã Nghĩa An lấy giấy tờ thì bị một số người dân quá khích ở địa phương bắt giữ suốt đêm.
Đến sáng 27.10, người dân Nghĩa An lại dẫn giải 3 công nhân trên lên QL1 làm “con tin” để gây sức ép với chính quyền, phản đối các doanh nghiệp triển khai dự án nạo vét, thông luồng khu vực cửa Đại kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu, gây sạt lở cửa biển.
|
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: “ Đến thời điểm này tỉnh Quảng Ngãi chưa cho phép các doanh nghiệp nạo vét cát nhiễm mặn trở lại”.
Trong khi đó, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng việc người dân kéo lên QL1 phản đối là do họ hiểu nhầm chính quyền cho phép doanh nghiệp nạo vét cát trở lại.
|
Lý do, ngày 26.10, người dân Nghĩa An thấy xuất hiện 6 chiếc tàu sắt, trong đó có 1 tàu lớn neo đậu ngoài biển, cùng lúc với 3 công nhân Công ty CP Trường Phát Lộc đến trạm biên phòng lấy giấy tờ.
Theo lý giải của lãnh đạo H.Sơn Tịnh, đây là những phương tiện chuẩn bị vào sông Kinh để nạo vét, thông luồng vì dòng sông này đang bị bồi lấp làm tàu cá có công suất lớn không ra vào được.
|
Được biết, khu vực cửa Đại bị sạt lở rộng thêm 130 m về phía nam, bờ biển xã Nghĩa An bị triều cường xâm thực dài 500 m, sâu 23 m. Không những thế, tình trạng sóng mang cát từ biển vào làm sông Phú Thọ (H.Tư Nghĩa) và sông Kinh (H.Sơn Tịnh) đang bị bồi lấp nghiêm trọng. Người dân địa phương cho rằng hiện tượng này xảy ra là do việc tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu.
Bài, ảnh: Hiển Cừ
Bình luận (0)