Dân thấp thỏm sống bên bờ biển lở cảng Vũng Áng

Phạm Đức
Phạm Đức
10/06/2019 07:02 GMT+7

Việc thi công hệ thống bến cảng ở cảng Vũng Áng khiến biển ngày càng lấn sâu vào đất liền, gây bất an cho người dân sống vùng ven biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Cảng Vũng Áng đã được Chính phủ quy hoạch thành khu bến cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu từ 3 - 5 vạn DWT. Hệ thống bến cảng đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu hàng hóa ngày càng gia tăng, đồng thời tăng chỉ số hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Tĩnh và khu vực miền Trung; phục vụ tốt việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng quá cảnh và giao thương, hợp tác với nước bạn Lào, vùng đông bắc Thái Lan.
Theo quy hoạch, tại đây sẽ được xây dựng hơn 10 bến cảng phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa và vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện. Hiện tại, cảng Vũng Áng có 2 khu bến chính đã đưa vào khai thác, đó là khu bến cảng tổng hợp Vũng Áng (thuộc Công ty CP Cảng Vũng Áng Lào - Việt) và khu bến cảng cho vận chuyển than phục vụ Nhà mát nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Các cầu cảng số 3, 4, 5, 6 hiện đang trong quá trình thi công.
Nằm trong quy hoạch, toàn bộ 2 thôn ven biển của xã Kỳ Lợi là Hải Phong 1 và Hải Phong 2 sẽ phải di dời đến khu tái định cư ở xã Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh). Tuy nhiên, cho đến nay, các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch vẫn chưa được di dời nên việc thi công các bến cảng đã có sự tác động khiến biển đang ngày càng lấn sâu vào đất liền.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển, ông Chu Đình Hoạt (68 tuổi, ngụ thôn Hải Phong 2) cho biết, thôn Hải Phong 1 và thôn Hải Phong 2 nằm ở vùng ven biển, tiếp giáp với cảng Vũng Áng nên tình trạng biển xâm thực vào đất liền xảy ra hàng năm khiến người dân hết sức lo lắng. Nguyên nhân một phần là do thiên tai, một phần là do tác động của việc thi công hệ thống bến cảng.
“Kể từ ngày các bến cảng đầu tiên được thi công, một số nhà dân và mồ mả của người dân ở vùng ven biển bị biển đe dọa… nuốt chửng. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương cần sớm giải phóng một số hộ dân nằm trong vùng xảy ra sạt lở lên khu tái định cư sớm hoặc là phải có bờ kè biển để ngăn không cho biển xâm thực thêm vào đất liền”, ông Hoạt nói.

Chưa rõ lộ trình di dời 2 thôn

Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, thừa nhận kể từ khi các bến cảng số 1, 2, 3 thi công thì đã có tác động khiến biển lấn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng gần 200 ngôi mộ và 17 nhà dân ở thôn Hải Phong 1 và Hải Phong 2. Do vậy, khi đến mùa mưa bão, chính quyền xã phải vận động đưa dân đi chỗ khác để tránh trú. Vừa qua, UBND xã đã vận động người dân di dời được hơn 30 ngôi mộ.
“Phương án trước mắt, những hộ gia đình nào nguy cơ sạt lở thì di dời lên khu tái định cư. Chúng tôi đang giao cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng kiểm đếm, đền bù và di dời. Khu vực 2 thôn Hải Phong nằm trong quy hoạch xây dựng một số bến cảng, đồng nghĩa hơn 600 hộ dân sẽ phải di dời toàn bộ. Kế hoạch di dời đã có nhưng lộ trình di dời 2 thôn nói trên lúc nào thì vẫn chưa có”, ông Vượng nói.
Cũng theo ông Vượng, không những 2 thôn trên mà toàn bộ xã Kỳ Lợi nằm trong quy hoạch chung của Khu kinh tế Vũng Áng nên sẽ phải di dời toàn bộ. Hiện nay UBND xã Kỳ Lợi đã di dời được 7/10 thôn lên khu tái định cư.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho hay người dân vùng ven biển xã Kỳ Lợi có đề xuất xây bờ kè để hạn chế biển xâm thực nhưng ở khu vực đó sau này sẽ tiếp tục có các bến cảng khác thi công. Vì vậy, các bến cảng sẽ đảm nhận luôn việc xây dựng kè biển.
“Trước mắt, khi thôn Hải Phong 1 và Hải Phong 2 chưa được di dời thì những điểm xảy ra sạt lở nặng sẽ được xử lý bằng hình thức rọ đá. Còn những ngôi mộ và nhà dân đang nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở thì địa phương sẽ cho đền bù và di dời lên khu tái định cư ngay”, ông Hà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.