Dân tố bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường

13/08/2017 08:20 GMT+7

Ngày 12.8, Sở NN-PTNT Bình Định cho biết đến cuối tháng 7.2017, tỉnh có 9 trường hợp chủ tàu mua bảo hiểm tại Công ty CP bảo hiểm Petrolimex (Pjico) nhưng khi bị tai nạn thì công ty chậm giải quyết bồi thường.

Ngư dân khởi kiện ra tòa
Vợ chồng ông Cao Ly và bà Nguyễn Thị Phi (ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đã gửi đơn khởi kiện Pjico yêu cầu bồi thường 1,5 tỉ đồng cho tàu cá BĐ 96763 TS bị chìm. Hiện tòa án đã có thông báo thụ lý vụ việc và sẽ mở phiên xét xử trong tháng 9 tới.
Theo bà Phi, đầu tháng 8.2016, gia đình mua bảo hiểm cho tàu cá này với số tiền 31,2 triệu đồng tại Pjico Bình Định. Tối 12.8.2016, tàu cá bị chìm. Sau khi Công ty CP giám định Phương Bắc (NORI) giám định tổn thất với kết quả thiệt hại 1,5 tỉ đồng, gia đình bà Phi chuyển hồ sơ cho Pjico Bình Định yêu cầu được bồi thường. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm trả lời vị trí tàu bị chìm nằm ngoài vùng hoạt động theo đăng kiểm nên không thuộc trách nhiệm bồi thường của đơn vị bảo hiểm.
“Tàu của gia đình tôi được cơ quan thủy sản địa phương cấp phép hoạt động ở vùng khơi miền Trung, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt nằm trong danh sách các tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ theo Quyết định 48/2010 của Chính phủ. Khi bán bảo hiểm, nhân viên công ty cũng xem xét hồ sơ rồi, giờ Pjico Bình Định trả lời như vậy là không chấp nhận được”, bà Phi nói.
Gia đình ông Nguyễn Thư (ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn) có tàu vỏ thép BĐ 99939 TS bị chìm tại vùng biển tỉnh Bình Thuận vào ngày 5.11.2016 nhưng đến nay cũng chưa được Pjico chi tiền bồi thường. “Ngày 26.7 vừa rồi, Pjico đã trả lời bằng văn bản là sẽ chi tiền bồi thường cho tôi gần 17,4 tỉ đồng. Nhưng họ chưa nói cụ thể thời gian chi trả tiền mà chỉ nói khi nào phía ngân hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ thì sẽ chi tiền. Tôi không biết phải chờ đến bao giờ”, ông Thư nói.
Đề nghị sớm chi trả
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách các tàu cá đủ điều kiện đăng ký để được hưởng chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cho 2.903 tàu. Đến cuối tháng 7.2017, Pjico đã bán bảo hiểm cho ngư dân Bình Định theo Nghị định 67 với tổng kinh phí ngân sách nhà nước phải hỗ trợ là 62 tỉ đồng. Như vậy, Pjico đã bán bảo hiểm được khoảng 68,54% so với tổng số tàu đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Một số chủ tàu chọn mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên ở các công ty bảo hiểm khác như Bảo Việt, Bảo Minh và nhận hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.
Hiện tỉnh Bình Định còn có 1 tàu vỏ thép bị chìm, 2 tàu vỏ thép trong quá trình khai thác bị hư hỏng gọng, mất ngư lưới cụ khai thác đầu năm 2017 và 6 tàu vỏ gỗ của H.Hoài Nhơn bị chìm đã nộp hồ sơ đề nghị bồi thường nhưng Pjico chậm giải quyết.
“UBND tỉnh Bình Định đã có công văn yêu cầu Pjico sớm chi trả tiền bảo hiểm cho các chủ tàu bị nạn và yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra một số thủ tục gây ra chậm chi trả bảo hiểm. Trong đó, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Pjico sửa đổi hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp với thực tế, rõ ràng minh bạch khi thực hiện trách nhiệm giữa các bên tham gia bảo hiểm và tạo thuận lợi cho ngư dân khi xảy ra tổn thất phải được chi trả bảo hiểm theo quy định”, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói.
Chiều 12.8, ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Pjico Bình Định, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Pjico Bình Định đã giải quyết hồ sơ và báo cáo các trường hợp tàu bị nạn để lãnh đạo tổng công ty giải quyết. Trường hợp tàu vỏ thép của ông Nguyễn Thư, Pjico đã ra thông báo bồi thường và đang chờ phía ngân hàng cho vay vốn đóng tàu trả lại hồ sơ thế chấp để làm hồ sơ chuyển tiền. “Một số trường hợp chúng tôi đã chi tiền bồi thường, còn những tàu khác thì chúng tôi đã ra văn bản từ chối bồi thường. Nếu ngư dân khởi kiện ra tòa thì chúng tôi sẽ thực hiện theo phán quyết của tòa án”, ông Nam nói.
40 tàu cá Phú Yên chưa được bồi thường
Hiện ở Phú Yên vẫn còn hơn 40 tàu cá của ngư dân bị nạn chưa được Công ty bảo hiểm Bảo Minh Phú Yên giải quyết. Ông Phạm Quang Quầm, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Ninh Tây (H.Tuy An), giải thích Bảo Minh Phú Yên lấy lý do không chi trả bồi thường là do vướng hạn chế 2 trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Ông Quầm nói: “Hạn chế 2 là như thế nào, đâu có cơ quan nào giải thích. Đến khi tàu cá ngư dân bị nạn thì mới tá hỏa, phần thiệt lại thuộc ngư dân”.
Theo Quyết định 96/2007/BNN ngày 28.11.2007 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc ban hành quy chế đăng kiểm tàu cá, trong đó quy định vùng hoạt động hạn chế 2 là tàu được phép hoạt động ở vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn an toàn không quá 50 hải lý.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Bảo Minh Phú Yên căn cứ giấy phép hoạt động của tàu cá trong vùng biển VN để chi trả bồi thường cho ngư dân khi có tai nạn xảy ra. “Nhưng đến giờ Bảo Minh Phú Yên vẫn chưa chi trả cho những ngư dân vướng hạn chế 2 trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá”, ông Phương nói.
Đức Huy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.