4 năm phát dọn cỏ, chưa nhận được tiền công
Phản ánh với PV Thanh Niên, anh Lý A Hải (40 tuổi, ngụ thôn Nam Ninh, xã Nâm N'Đir, H.Krông Nô) cho biết năm 2015, hàng chục người dân ở thôn Nam Ninh được Ban Quản lý dự án 540 ha (viết tắt BQL, thuộc Công ty TNHH MTV Nam Nung, trụ sở ở H.Krông Nô) thuê chăm sóc, phát dọn cỏ vườn cao su.
"Người trực tiếp nói chúng tôi đi làm là các ông Nguyễn Văn Bảo, Hoàng Xuân Toàn, Đặng Văn Ka, Trần Văn Tâm, là các đội trưởng thuộc BQL. Tiền công thỏa thuận cho mỗi đợt phát dọn cỏ là 1.000 đồng/cây cao su. Mỗi năm sẽ có 2 đợt phát dọn. Tiền công của tôi mỗi năm khoảng 8 triệu đồng. Tính ra từ năm 2015 - 2018, tổng số tiền là hơn 30 triệu đồng", anh Hải liệt kê.
Trường hợp khác, anh Bàn Tiến Dũng (40 tuổi, cũng ngụ thôn trên) phản ánh ngoài công việc cạo mủ cao su, người dân trong thôn Nam Ninh còn nhận khoán chăm sóc, phát dọn cỏ cho vườn cao su.
"Hai vợ chồng tôi đều nhận phát dọn cỏ. Tuy nhiên, vì lúc đó được các đội trưởng là người trực tiếp quản lý việc cạo mủ mở lời thuê, nên chúng tôi không ký hợp đồng hay viết bất cứ giấy tờ gì", anh Dũng nói rồi cho hay khoảng 70 người trong thôn hầu hết là dân tộc Dao cùng nhận khoán chăm sóc, dọn cỏ, nên việc xác minh lại sự việc (nếu có) chẳng có gì khó khăn.
"Chúng tôi là người lao động chân tay, không rành và cũng không để ý tới các giấy tờ gì cả. Hơn nữa, họ là cấp trên đứng ra thuê nên chúng tôi chẳng phân vân, nghi ngờ gì", anh Đặng Văn Biên (ở thôn trên) nói rồi cho biết thêm hiện BQL đã giải thể, nhiều cán bộ liên quan cũng đã thôi việc. Riêng ông Đào Văn Việt, trước đây là Phó BQL hiện vẫn giữ chức trưởng một phòng nghiệp vụ tại Công ty TNHH MTV Nam Nung (viết tắt công ty).
Anh Biên cho biết từ năm 2015 - 2018, tổng số tiền công của anh khoảng 30 triệu đồng. Cứ mỗi năm, khi công nhân đòi tiền thì BQL trả lời "Công ty đang khó khăn nên mong bà con thông cảm". Cứ thế, hết năm này qua năm nọ, người dân mãi vẫn không được trả tiền.
Đến năm 2019, việc phát dọn cỏ được giao cho một đơn vị khác đảm nhận. Vậy là hành trình đòi nợ diễn ra. Người dân khẳng định, họ đã nhiều lần đến hỏi BQL nhưng được hướng dẫn lên công ty hỏi. "Hiện BQL đã giải thể. Mới đây, công ty có văn bản trả lời đã thanh toán tiền công cho BQL. Vậy số tiền của chúng tôi đang ở đâu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm xử lý?", anh Biên đặt câu hỏi.
VÌ SAO TIỀN CHƯA ĐẾN TAY NGƯỜI DÂN?
Theo tài liệu PV nắm được, ngày 26.4, công ty có văn bản thông báo về "kết quả giải quyết đơn đề nghị thanh toán tiền công của công nhân khai thác mủ tại dự án 540 ha".
Theo đó, lãnh đạo và các phòng chuyên môn công ty đã đưa ra các hồ sơ, chứng từ liên quan công tác nghiệm thu, thanh toán các công trình chăm sóc tại BQL, giai đoạn 2015 - 2018. Công ty khẳng định đã thanh toán tiền công chăm sóc cho BQL. Công ty cũng đã báo cáo sự việc gửi Thanh tra, UBND tỉnh Đắk Nông và UBND H.Krông Nô. "Nếu người lao động có thực hiện các bước công việc nhưng chưa nhận được tiền công, thì làm việc trực tiếp với người thuê khoán mình để xác định công nợ (nếu có) hay có thể kiện ra tòa để làm rõ", văn bản nêu.
Trước đó, sau khi nhận đơn của người dân, ngày 25.11.2022, công ty đã mời đại diện UBND, Công an xã Nâm N'Đir, cùng các công nhân khai thác mủ tại dự án 540 ha lên trụ sở làm rõ sự việc.
Tại buổi làm việc, ông Hà Văn Linh, Phó thôn Nam Ninh (cũng là người tố bị "quỵt" tiền) thắc mắc công ty đã chi tiền cho ai, tại sao người dân lại không được nhận? Ông Vũ Hoàng Phú, Giám đốc công ty, cho hay đơn vị đã làm hồ sơ, thanh toán và chi tiền cho ông Nguyễn Đồng Thưởng (Trưởng BQL). Việc ông Thưởng chi trả cho ai sẽ đưa ra cơ quan điều tra xem xét giải quyết.
Trong khi đó, đại diện UBND xã Nâm N'Đir cho rằng trong trường hợp có dấu hiệu chiếm đoạt tiền công thì người dân nên cử đại diện để trình báo. Đồng thời đề nghị công ty cung cấp hồ sơ, tài liệu để người dân có cơ sở trình báo.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 23.5
CÔNG AN VÀO CUỘC
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Hoàng Phú cho biết đơn vị đã thanh toán tiền đầy đủ cho BQL dự án 540 ha từ năm
2015 - 2018 để trả cho công nhân. "Năm 2015, công ty thanh toán 453 triệu đồng; năm 2016 là 921 triệu đồng, 2017 là 835 triệu đồng và năm 2018 là hơn 1 tỉ đồng", ông Phú liệt kê và cho biết hiện ông Nguyễn Đồng Thưởng và ông Đặng Văn Mạnh đã nghỉ việc, chỉ còn ông Đào Văn Việt (cả ba trước đó là lãnh đạo BQL) đang còn làm việc tại công ty.
"Ông Đào Văn Việt nói sao về việc người dân tố bị "quỵt" tiền công phát dọn cỏ?", chúng tôi hỏi. Ông Phú trả lời: "Cấp dưới khẳng định sau khi BQL nhận tiền từ công ty, đã thanh toán đầy đủ và có cả danh sách ký nhận tiền của người dân (?)".
Ông Phú nhìn nhận, người dân tố bị "quỵt" tiền lương nhưng lại không có bằng chứng chứng minh việc chưa nhận tiền, khiến bản thân ông, là người chỉ mới nhận công tác tại đơn vị hơn 1 năm nay, đau đầu về cách xử lý. "Vụ việc cũng đã được cơ quan công an vào cuộc làm rõ", ông Phú khẳng định và thông tin thêm, Công an tỉnh Đắk Nông mới cử cán bộ đến công ty, đề nghị được cung cấp hồ sơ, tài liệu về vụ việc.
PV Thanh Niên tiếp tục đến gặp các nhân chứng để làm rõ những khúc mắc. "Tại sao lãnh đạo công ty nói người dân đã nhận tiền và có cả danh sách ký nhận tiền?", chúng tôi hỏi. Nghe vậy, anh Lý A Hải khẳng định: "Danh sách ký nhận tiền nếu có chỉ là lúc chúng tôi ký nhận tiền tạm ứng trong năm. Mỗi năm một người được tạm ứng từ 300.000 - 500.000 đồng. Đó là tiền tạm ứng để hỗ trợ xăng xe chứ không phải tiền công".
Ông Hà Văn Linh tiếp tục khẳng định: "Bản thân tôi cũng như hàng chục người dân trong thôn chưa nhận được tiền công phát dọn cỏ. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước nội dung phản ánh. Nếu BQL nhận tiền từ công ty nhưng chưa thanh toán, đề nghị họ phải trả lại tiền cho chúng tôi. Nếu không, tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự việc".
Bình luận (0)