Ngày 28.5, ông Hồ Sĩ Nam, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không tại Vinh (Nghệ An), cho biết đại diện cảng vụ cùng cơ quan chức năng đã đến nhà ông Lê Văn Tiến (xóm 21, xã Nghi Trung, H.Nghi Lộc, Nghệ An) để ghi nhận phản ánh về việc máy bay hạ cánh xuống sân bay Vinh làm tốc ngói.
Theo ông Tiến, khoảng 13 giờ ngày 27.5, 6 người trong gia đình ông đang ngủ trưa đều bật dậy tháo chạy ra sân vì tiếng gầm rú trên mái nhà. Khi ra đến sân, ông nghe tiếng máy bay đang hạ cánh xuống sân bay, còn ngói nhà ông đã bị tốc mái, nhiều viên rơi xuống trần nhà. Ông Tiến sau đó đến Cảng vụ hàng không tại Vinh và Công an xã Nghi Trung để trình báo.
Ông Hồ Sĩ Nam cho biết qua kiểm tra tại đài không lưu, lúc 12 giờ 58 phút ngày 27.5, một máy bay của Hãng Vietnam Airlines từ Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống sân bay Vinh.
“Theo báo cáo của không lưu, chuyến bay hạ cánh lúc 12 giờ 58 phút tại sân bay Vinh là chuyến bay hạ cánh thông thường, không phải chuyến bay bất thường trong ngày. Máy bay này hạ cánh đúng quy định”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết, nhà ông Tiến nằm ở đầu đường cất, hạ cánh của đường băng sân bay, cách mép đường băng 1,7 km, cách tim đường băng 150 m, nằm trong dải bay. Ngôi nhà bị tốc mái có chiều cao thấp, nằm lọt giữa các ngôi nhà cao tầng khác. Vụ việc ông Tiến phản ánh đã được báo cáo lên Cảng vụ miền Bắc và Cục Hàng không VN để chờ giải quyết.
Lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc cho hay có nhiều giả thiết được đặt ra như do thời tiết giông lốc xoáy cục bộ tại địa phương, hoặc do máy bay... Tuy nhiên, hiện tại chưa thể kết luận nguyên nhân chính xác do đâu. Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu xét về chiều cao tầm 4 - 5 m thì ngôi nhà trên không vi phạm quy định tĩnh không trong phạm vi xung quanh sân bay. Sau khi xác định được nguyên nhân chính xác, nếu liên quan đến hàng không sẽ phối hợp giải quyết, xử lý thỏa đáng cho người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn bắc Trung bộ, trụ sở đặt tại TP.Vinh, cho biết qua kiểm tra thông tin từ các thiết bị quan trắc gió, máy radar quét mây, trong khoảng trưa và chiều 27.5, trùng khớp với thời điểm người dân phản ánh mái ngói bị rơi, không ghi nhận gió mạnh bất thường. Kết quả phân tích ảnh mây radar khu vực xã Nghi Trung, H.Nghi Lộc cho thấy, khu vực này không hình thành các đám mây lớn nên khả năng xảy ra giông, gió lốc gần như rất khó có khả năng xảy ra.
Đáng lưu ý, theo ông Tiến, trước đó ông đã làm đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh thường xuyên chịu ảnh hưởng do máy bay hạ cánh nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Còn theo bà Phạm Thị Mai (vợ ông Tiến), đã có 5 vụ máy bay hạ cánh khiến nhà dân trong xóm bị tốc ngói, lúa, ngô bị rạp đổ. Năm 2015, nhà anh Hậu ở gần đó cũng bị tốc mái, cơ quan chức năng cũng đến ghi nhận vụ việc nhưng sau đó cũng không có phản hồi.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, trên thực tế những nhà dân nằm gần sân bay, đặc biệt là nằm trên và đầu trục đường băng cất hạ cánh rất bị ảnh hưởng, nhất là ô nhiễm tiếng ồn. Không chỉ sân bay Vinh mà nhiều sân bay khác do đặc thù lịch sử nằm giữa nội đô, trong tình trạng bị nhà dân vây quanh, nhưng vì là các khu dân cư lâu đời nên rất khó di dời. “Về lâu dài phải có cơ chế chống ô nhiễm tiếng ồn cho người dân sống xung quanh sân bay, mất an toàn người dân cũng là mất an toàn cho hoạt động bay. Với các nhà dân nằm dưới khu vực nhiễu động của máy bay thì cần củng cố, gia cố mái nhà để tránh không bị ảnh hưởng nhiễu động khi máy bay cất hạ cánh”, ông Thanh nói.
Cục Hàng không VN đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ xây dựng đề án giảm thiểu tiếng ồn cho người dân khu vực xung quanh máy bay, trong đó có nội dung chống ô nhiễm tiếng ồn và các nội dung về an toàn khác.
Mai Hà
|
Bình luận (0)