Dân vận kiểu… EVN

24/12/2018 18:17 GMT+7

Khi tiếng vỗ tay của hơn 300 hộ dân thôn Vịnh Sơn vang lên thể hiện sự đồng thuận việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, ông Vinh đã kéo vạt áo lau vội giọt nước ở khoé mắt.

Là Trưởng phòng Bảo vệ môi trường và đền bù của Ban Quản lý dự án nhiệt điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực VN - EVN) nhưng gần 1 năm rưỡi qua, từ ngày Ban 2 vào tiếp quản dự án lại từ Tập đoàn Dầu khí (PVN), công việc chính của ông Nguyễn Thành Vinh hoàn toàn đúng nghĩa của một cán bộ… dân vận. Từ tháng 3.2018 đến nay, tháng nào ông cũng dẫn ít nhất 1 đoàn đi thăm các nhà máy nhiệt điện để họ tận mắt chứng kiến việc vận hành cũng như giám sát các thông số liên quan đến an toàn, môi trường. Đối tượng dân vận của ông Vinh không chỉ là những người dân trong vùng dự án mà cả nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, những người đã có không ít hồ nghi, âu lo khi đồng ý thực hiện dự án.
Ông Vinh nhớ lại: Khu vực xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) trước đây gồm 2 dự án. Một là trung tâm nhiệt điện do PVN làm chủ. Hai là nhà máy đóng tàu của Tập đoàn Vinashin. Trong khi phần thuộc dự án nhiệt điện đã đền bù và giải phóng xong thì 300 hộ thôn Vịnh Sơn cạnh đó bị kẹt lại do dự án đóng tàu phá sản. Do vậy, sau khi tiếp quản dự án từ PVN, EVN đưa máy móc vào để tái khởi động thì đều vấp phải phản ứng của 300 hộ dân này. “Bởi trước đây, chính quyền đã hứa sẽ tái định cư cho tất cả người dân thuộc 2 dự án. Bên cạnh đó, sau sự cố môi trường Formosa tại Vũng Áng liền kề càng khiến người dân lo ngại. Rồi phong trào phản đối nhiệt điện ở một số địa phương lan ra càng làm cho không chỉ người dân, mà ngay chính quyền cũng bối rối”, ông Vinh chia sẻ.
Trước tình hình đó, EVN và Ban 2 đã xác định, ngoài việc tiếp tục các thủ tục đầu tư thì công tác thuyết phục người dân, chính quyền sở tại là ưu tiên số 1. Một nhóm công tác dân vận được lập ra, với nòng cốt là những cán bộ môi trường, đoàn thanh niên. Nhiều cuộc đối thoại trực tiếp đã diễn ra và trước đó là vô số lần đến với dân để nắm bắt tâm tư.
Sau mỗi lần như thế, nhiều chuyến đi thực địa các nhà máy nhiệt điện tương tự đã được tổ chức theo yêu cầu của dân để họ “mắt thấy tai nghe” về công nghệ, về bảo vệ môi trường cũng như cuộc sống của những người dân xung quanh các dự án này. “Riêng tôi đã dẫn khoảng 10 đoàn đi nhiệt điện Nghi Sơn, từ đoàn người dân, thanh niên, hội phụ nữ xã, cho đến đoàn cán bộ của Khu kinh tế, UBND tỉnh, rồi đoàn nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Phải để họ trải nghiệm, chất vấn rồi dần dần họ cũng vỡ ra chứ nhiều khi họ bảo mình nói suông thôi”, ông Vinh kể.
Cùng với các chuyến thực địa, EVN, Ban 2 cũng đã cùng UBND tỉnh Quảng Bình không dưới 2 lần đối thoại với dân. Những tâm tư, kiến nghị của người dân đã được các lãnh đạo cao nhất của tỉnh giải đáp. Không những thế, yêu cầu phải di dời hơn 300 hộ ngoài vùng dự án trước đây (thuộc dự án nhà máy đóng tàu Vinashin) cũng đã được EVN và UBND tỉnh thống nhất báo cáo lên các bộ ngành T.Ư. Kết quả là, cuối tuần trước, Bộ Công thương đã tổ chức công bố quy hoạch điều chỉnh dự án, đưa phần diện tích 80 ha (nơi hơn 300 hộ dân thôn Vịnh Sơn đang sống) vào dự án để thực hiện di dời, tái định cư theo mong muốn của người dân.
Cũng tại buổi công bố kể trên, lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh Quảng Bình một lần nữa trực tiếp trả lời các kiến nghị của người dân. Kết thúc buổi sáng ấy, tiếng vỗ tay không ngớt của hơn 300 hộ dân thôn Vịnh Sơn đồng loạt vang lên. Các ý kiến của người dân đều khẳng định ủng hộ dự án đi cùng điều kiện là chính quyền và chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các cam kết về tái định cư, lựa chọn công nghệ tiên tiến đi kèm các biện pháp bảo vệ môi trường.
"Lãnh đạo bảo thằng Vinh khóc cũng đúng bởi hắn là người “sướng” nhất khi dự án có thể khởi động mà người dân không còn phản đối”, ông Vinh xúc động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.