|
“Tình bạn” giữa người và thú
Núi Cô Tô (xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang) còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, cao 614 m so với mực nước biển, một trong 7 ngọn núi được chọn là linh huyệt vùng Thất Sơn với bao chuyện núi rừng kỳ thú. Vì thế, khi nhìn thấy lũ thú quấn quanh sư cô, nhiều người ồ lên: “Lũ khỉ dạn người quá!”. Vị sư lớn tuổi tên Diệu Định khe khẽ trả lời: “Mô Phật, nó đâu phải khỉ thường. Nó là con lọ nồi hay còn gọi là voọc linh trưởng quý hiếm, có tên trong Sách đỏ đó”. Rất tự nhiên, lũ voọc chộp mẩu bánh mì từ tay sư và đưa lên miệng ăn nhóp nhép trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Vài người cầm máy ảnh tới gần chụp, lũ voọc không chạy mà còn nhe răng cười giỡn. Trên ngọn núi này, giữa thú và người dường như không còn khoảng cách.
Khi đã ăn no nê, đùa giỡn chán, lũ voọc kêu hì hì rồi nhảy tót lên rặng cây cao. Vị sư dặn với theo: “Mai ơi Mai à, tối rồi, về ổ ngủ đi con, đừng ham chơi nữa. Chiều mai tới đây ăn bánh nghe con”. Lũ voọc chựng lại, như lắng nghe rồi biến vào rừng cây thâm u. Sư Định cho biết dù mải mê rong chơi trong rừng núi nhưng khi nghe tiếng sư hay ông Trần Văn Thành gọi “Mai ơi về ăn” là lũ voọc chạy về ngay.
Ông Thành là cư dân cố cựu trên ngọn núi này và cũng là người đầu tiên kết bạn với voọc. Ông kể năm 1996, lúc đang hái trái rừng thì bất chợt thấy con khỉ có màu lông rất đẹp. Vừa thấy bóng người, nó biến mất nhanh như cắt. Rồi nhiều lần gặp nhau, ông thảy mì gói hay bánh mì cho nó ăn. Nó núp ló đợi ông đi rồi mới phóng ra cầm mẩu bánh trèo tọt lên cây. Dần dần quen hơi, nó bạo dạn tiến tới chỗ ông chộp lấy thức ăn và ông nhận ra nó là con đực. Mỗi lần không thấy bóng khỉ, ông Thành gọi: “Mai, Mai, Mai...” thì vài phút sau là nó chạy đến. Như có sự “tín nhiệm”, một thời gian sau, con khỉ đực dẫn về một con khỉ cái “giới thiệu” với ông Thành. “Sau này, mấy chú kiểm lâm nói nó là con voọc quý lắm, cần phải bảo vệ”, ông Thành kể lại.
Có duyên mới gặp
Dân trên núi nói bầy voọc gồm 6 con, trong đó có 2 con nhỏ nhưng mấy ngày nay, khi gọi chúng về ăn đếm chỉ còn 5, vắng con đầu đàn. Ông Thành cho biết: “Con đầu đàn chính là con voọc đầu tiên tôi đã kết bạn. Từ lúc tôi gặp nó tới nay đã 18 năm, vì thế tuổi nó phải trên 20. Không biết con voọc đó có già yếu leo trèo không nổi nữa hay bệnh mất rồi?”. Theo ông Thành, hiện đàn voọc sinh sống ở 3 khu vực: vồ Hội Lớn, vồ Hội Nhỏ và sân Tiên. Đây đều là những cánh rừng lớn có nhiều tầng tán, vách đá cheo leo, cây trái nhiều, thích hợp cho voọc ẩn náu, kiếm ăn.
Thấy chúng tôi phân vân, ông Thành hiểu ý bèn cười bảo cứ ghi thật địa danh voọc ở, không cần phải giấu vì chúng đã được người dân trên núi chung lòng bảo vệ. Thêm vào đó, lên núi chỉ có con đường độc đạo, phải lội bộ mấy tiếng đồng hồ hoặc đi xe ôm. Tuy nhiên, với vách núi dựng đứng thót tim thì chỉ có cư dân ở đây mới dám chạy xe lên xuống. Hơn nữa, đây là ngọn núi thiêng nên có những niềm tin riêng, phải có cái “duyên” mới gặp được voọc.
Người dân trên núi tâm sự bầy voọc rất đáng yêu, họ có thể vuốt ve nựng nịu chúng như thú cưng trong nhà nhưng không ai làm thế để còn giữ khoảng cách giữa người và thú. Nếu thân thiện quá mức, lũ voọc sẽ quen, mất cảnh giác với người lạ, không may chúng lạc bầy xuống miền xuôi thấy người mà không chạy sẽ bị săn bắt.
Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết: “Đàn voọc ở núi Cô Tô gồm 6 cá thể, có lông viền mặt màu xám và chân đen, thuộc loài voọc chà vá quý hiếm đang được ngành kiểm lâm tỉnh bảo tồn, với sự hợp tác của chủ rừng và người dân sinh sống trên đỉnh núi”. |
Thanh Dũng
Bình luận (0)