Tại các buổi làm việc, nhiều hộ dân đã từ chối sự hỗ trợ tạm cư của chính quyền và đề nghị được xem xét bồi thường một lần để họ tự tìm nơi ở mới.
Trao đổi với Thanh Niên về đề nghị trên, bà Phạm Thị Viết - Chủ tịch UBND H.Nhà Bè - cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng huyện xem xét tính pháp lý của từng hộ dân trước khi có quyết định cụ thể. Bà Viết cũng cho rằng đề nghị trên của bà con khó khả thi, vì phần lớn các hộ dân sống ở vùng sạt lở đều mua lại nhà đất (bằng giấy tay) nên không có cơ sở giải quyết theo chính sách bồi thường; chỉ có vài hộ là dân cố cựu tại địa phương mới được xem xét.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng H.Nhà Bè, hiện trên địa bàn 6 xã của huyện, có 15 điểm nguy cơ sạt lở cao, với hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 107 hộ cần di dời khẩn cấp.
Liên quan đến tình hình sạt lở, Khu quản lý Đường sông TP.HCM ngày 11.9 cho biết trên địa bàn TP hiện có 50 vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông cao. Các "điểm nóng" sạt lở là H.Nhà Bè (có 14 vị trí), H.Cần Giờ (10); Q.Bình Thạnh (9), Q.Thủ Đức (6)... Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết đáng lo ngại là trong 10 dự án chống sạt lở đã được Khu Đường sông lên kế hoạch đầu tư trong năm nay hiện chỉ 2 dự án được cấp vốn thi công nhưng là 2 dự án chuyển tiếp của năm 2010. Tất cả dự án còn lại phải ngừng vì thiếu vốn.
Minh Nam - Đình Mười
Bình luận (0)