|
Theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Hải, 56 tuổi, sống tại căn hộ 2508, tòa CT6 C trong khu đô thị Xa La (KĐT), trời trở nóng cũng là lúc bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. “Không chỉ thiếu, mà cả tháng nay nước cũng bẩn hơn và còn nhiễm độc nữa. Nhiều người phàn nàn, thịt lợn khi luộc chín lên liền chuyển màu hồng hoặc màu vàng. Một số người làm cán bộ nghiên cứu về hóa học cho hay, nồng độ chất Asen, Amoni trong nước quá cao nên khi dùng nước nấu ăn gây ra hiện tượng này”, ông Hải cho hay.
Quá lo sợ, nhiều người đã tức tốc đi mua máy lọc nước tốn cả triệu bạc nhưng vẫn không yên tâm, vì theo khuyến cáo, Amoni vẫn có thể thấm qua màng lọc. Cực chẳng đã, không ít người dân tại đây phải mua nước đóng bình về dùng.
Một cư dân đang sống tại KĐT này là anh Lê Thanh Sơn (36 tuổi), cán bộ nghiên cứu của viện Công nghệ Môi trường (viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết đã mang mẫu nước đi phân tích. Theo anh Sơn, kết quả cho thấy, nước sinh hoạt tại KĐT Xa La bị nhiễm Asen, Amoni và ô nhiễm hữu cơ. Hàm lượng Asen trong nước tại KĐT Xa La gấp gần 4 lần mức độ cho phép, còn hàm lượng Amoni cao gấp gần 2,5 lần, chất hữu cơ (COD) cao gần gấp 4 lần. Ngoài ra, mẫu nước này còn nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform.
Các hộ dân cho biết họ đã nhiều lần phản ánh sự việc lên Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Đông Hoàng Văn Thắng thừa nhận có nhận được phản ánh của người dân tại KĐT về tình trạng nước nhiễm bẩn, nhiễm độc Amoni, Asen. Ông Thắng thanh minh: Gần đây do đường ống nước sông Đà bị vỡ liên tục nên để tăng nguồn cung cấp, đơn vị này phải huy động thêm nguồn nước từ cơ sở 2 ở Ba La, Q.Hà Đông. Do quá trình chuyển giao, các điểm đấu nối mới lắp ráp bị thẩm thấu nên nước tại khu vực cuối nguồn KĐT Xa La xuất hiện cặn, vẩn đục.
Nguyên nhân khác, theo ông Thắng, là nước từ sông Đà cấp về là nước mặt, nước cơ sở 2 Ba La là nước ngầm có tính chất lý, hóa khác nhau, dù đã qua xử lý nhưng khi hòa trộn vào nhau, sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Thừa nhận hàm lượng Amoni trong nước là cao, nhưng ông Thắng khẳng định “vẫn trong tầm kiểm soát”. “Sau khi có phản ánh của người dân, chúng tôi đã cho kiểm tra chất lượng nước nguồn tại các giếng khai thác. Hiện, chúng tôi đã ngừng khai thác tại một số giếng có nồng độ Amoni cao. Rà soát lại quy trình xử lý nước, tăng cường kiểm tra chất lượng nước trước khi cấp cho người dân sử dụng để nâng cao chất lượng”, ông Thắng thông tin.
Về việc người dân KĐT phản ánh nước nhiễm Asen ở nồng độ đã vượt mức cho phép là 0,01, ông Thắng phủ nhận việc này, và quả quyết: Công ty nước sạch Hà Đông luôn sẵn sàng lấy mẫu nước đúng quy trình, có người dân chứng kiến và gửi cho một đơn vị độc lập phân tích.
Tiến sĩ Trần Văn Nhị, viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, bản thân Amoni không độc, nhưng khi tồn tại trong nước, chất này sẽ chuyển hóa thành Nitrite. Khi vào cơ thể, nitrite sẽ tranh oxi trong hồng cầu của con người, gây ra các bệnh hiểm nghèo như ung thư, u bướu… với tỷ lệ cao. Với trẻ nhỏ, chất này đặc biệt nguy hiểm. Trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc bệnh xanh da, do hệ men phân hủy Nitrite chưa phát triển. |
Đan Hạ - Hải Long
>> Báo động nguồn nước mặt
>> Sống với nguồn nước ô nhiễm
>> Khốn khổ vì tắt nguồn nước
>> Nguy cơ nhiễm độc từ lò tái chế nhôm
>> Liên tục nhập viện vì ăn cá nhiễm độc
>> Bó tay với hàng Trung Quốc nhiễm độc
Bình luận (0)