Đồ ăn ngon là khách sẽ đông?
Đang kinh doanh tốt với quán bún thịt nướng tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, thừa thắng xông lên, Hoàng Văn Xuân (28 tuổi) chi thêm 500 triệu đồng để thêm nhiều món nướng khác nhau, mở rộng không gian quán và trang trí lại.
Bên cạnh đó, Xuân cập nhật đội ngũ nhân viên đông hơn, hứa hẹn sẽ phục vụ lượng khách lớn một cách chuyên nghiệp nhất. Nhưng sau 3 tháng khai trương, quán mới chỉ lác đác vài khách, Xuân vẫn chưa hiểu được điều gì đang xảy ra với mình.
“Trước đây, mình luôn được thực khách và nhiều bạn trẻ am hiểu về ẩm thực khen món ăn rất ngon. Dù chỉ bán 1 món duy nhất là bún thịt nướng nhưng doanh thu mỗi tháng lên tới trăm triệu đồng. Điều này, làm bản thân rất tự tin về khả năng nấu nướng cũng như kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Nhưng dường như tất cả những điều mình nghĩ là sai khi nấu ăn ngon không giúp quán duy trì tốt”, Xuân tâm sự.
Cũng giống như Xuân, Lê Hồng Thương (25 tuổi) thường xuyên bị rối khi tính thu chi, tiền mặt bằng. Sau 2 tháng nâng cấp quán ăn trên đường Cách mạng Tháng 8, P.15, Q.10, TP.HCM, Thương nhận ra, mình đã không còn tươi tắn như lúc đang kinh doanh quán nhỏ bán ốc. Số tiền để vận hành lớn hơn, khó khăn xảy ra nhiều hơn khiến cô chủ quán lúc nào cũng đăm chiêu.
"Một hôm, khách hàng nói rằng yêu thích quán cũ vì chủ quán lúc nào cũng xởi lởi, tươi cười. Bây giờ, mình trông lạnh lùng, xa cách, đạo mạo quá, khách không dám vào", Thương bộc bạch.
Thương nghiệm ra rằng bán ăn ngon là chưa đủ. Một quán ăn phải có sự kết nối giữa người bán và khách hàng. Nhân viên và chủ quán vui vẻ thì sẽ kéo theo sự vui vẻ của khách hàng. Trước đây, khách hàng đến quán của Thương vì giá cả bình dân. Nay giá chênh lệch khoảng 10.000 đồng cũng đủ làm cho họ suy nghĩ lại. Mất khách là chuyện không thể tránh khỏi.
Ông Trần Thanh Tùng, nhà cố vấn khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Thành đoàn TP.HCM), cho rằng: "Nhiều bạn trẻ hiểu lầm rằng chỉ cần mở rộng quy mô doanh nghiệp thì có thể đem lại doanh số cao hơn. Khi bạn đang làm mô hình kinh doanh nhỏ, kể cả có doanh thu 100 triệu đồng mỗi tháng thì chi phí vẫn thấp, không suy nghĩ nhiều. Nhưng khi nâng cấp cửa hàng lên phân khúc vốn từ 200 đến 300 triệu đồng, bạn phải lo nhiều về tài chính, thuế...".
Ông Tùng nhận thấy tình trạng này cũng xảy ra với nhiều người trẻ. Các bạn có kỹ năng nhưng không đủ để làm một cơ sở kinh doanh lớn. Thay vì quá tải do quán đông, họ khủng hoảng vì quán... quá ế. Mở rộng quy mô là một bài toán lớn mà bạn trẻ phải chắc chắn có được đầy đủ các công thức từ: marketing đến tài chính, vận hành...
Kỹ năng chưa đủ đừng vội mở rộng quy mô
Ngô Văn Thuận (28 tuổi), chủ quán bò nướng trên đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM rơi vào tình trạng tệ hơn khi thuê địa điểm mới có 2 mặt tiền. Tháng 8, khi trời mưa, quán ướt nhem, trống trải, không có khách. Dù trước đây, kinh doanh trong hẻm rất khấm khá.
"Vì mở rộng quán, mình bán giá cao hơn khoảng 5.000 - 10.000 đồng. Mặt tiền đẹp hơn, khách hàng đi ngang nhìn vào sợ quán bán cao giá nên không muốn vào. Cả tháng nay, lương nhân viên còn cao hơn doanh thu của quán", Thuận tâm sự.
Bùi Thị Lan (26 tuổi), chủ quán trà Ô Long, có mặt tiền đẹp ở P.Phương Liên, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội. Lan cũng phát triển từ quán bán hàng trực tuyến sang kinh doanh tại chỗ. Sản phẩm của Lan được khách dành nhiều lời khen nhưng không hiểu vì sao quán vẫn ế. Quán ít khách đến nỗi chủ nhà yêu cầu lấy lại mặt bằng, vì sợ Lan không có tiền trả trong những tháng tới.
"Thay vì than vãn, mình dành hết sức lực để đi tìm kiến thức mới. Chỉ cần lên mạng xã hội tìm một vài từ khóa liên quan đến kiến thức khởi nghiệp ngành dịch vụ ăn uống là đã có hàng trăm nội dung bổ ích. Càng tìm kiếm thông tin, càng cảm thấy còn thiếu kiến thức. Vì vậy, mình quyết định thu nhỏ quy mô và từng bước khởi động lại quán vào cuối năm", Lan chia sẻ.
Đào Trọng Quân (29 tuổi), mở quán hải sản nhỏ trên đường Trần Nam Phú, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, được gần 5 năm. Sau một thời gian có doanh thu tốt, Quân quyết định mở rộng quán với chi phí 300 triệu đồng. Nhưng chỉ trong 3 tháng, vốn duy trì quán không thể trụ nổi được nữa vì chi phí vận hành cao gấp 5 lần so với quán cũ. Lúc này, Quân mới quyết định đi xin ý kiến của khách hàng. Chủ quán nhận ra một sự thật phũ phàng: "Quán ế là do nhân viên có thái độ phục vụ không tốt".
"Nhiều khách đến quán của mình và không có ý kiến gì về chất lượng món ăn. Tuy nhiên, tỷ lệ quay lại ngày càng giảm đi. Cuối cùng, quán không còn khách mới lẫn khách cũ. Khi mình đi hỏi từng người mới được nhận xét rằng cảm giác trước đây không còn thì cũng chẳng có lý do gì để đến ăn", Quân kể.
Ông Trần Thanh Tùng nhận định trong kinh doanh, vấn đề về con người là bài toán nan giải nhất, thậm chí để lại nhiều bài học đau đớn. Chỉ cần khoản tiền lương nhân viên chiếm 30% tổng doanh số, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng khó khăn.
Ông Tùng cho rằng chỉ bán 1 sản phẩm trong 1 quán lớn thì khó có thu nhập cao. Để khắc phục, nhiều quán phải bán thêm những thứ khác như: bánh, trà, đồ ăn vặt, tổ chức sự kiện... nhằm nâng mức tài chính duy trì. Khi mở quán lớn, chúng ta phải lo nghĩ đến nhiều khoản chi phí như: thuê nhà, marketing, khấu hao cơ sở vật chất...
"Đa số các bạn trẻ gặp thất bại khi mở rộng quy mô hàng quán vì không có kỹ năng tài chính, chưa phát triển kịp theo tốc độ thay đổi của quán. Cần lưu ý, muốn tăng giá bán, đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tương xứng. Khi kết quả không như mong đợi, mọi người phải chậm lại để biết mình yếu chỗ nào và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ", ông Trần Thanh Tùng đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)