(TNO) Khi kinh tế đất nước bắt đầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng, Hy Lạp từng hy vọng việc đăng cai tổ chức Olympic 2004 tại Athens sẽ là chất xúc tác cải cách tài chính. Tuy nhiên, hậu quả là việc tiêu tốn hàng tỷ euro cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh đã khiến nền kinh tế quốc gia trên sụp đổ và người dân phải oằn lưng để gánh nợ công.
>> Tiền tổ chức ASIAD có thể lên đến 1 tỉ USD
>> 150 triệu USD tổ chức ASIAD 18 là con số phi thực tế
>> Giàu như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng từng từ chối đăng cai ASIAD
|
Theo Business Week, nếu nói về mặt thể thao, Hy Lạp đã thành công trong việc đăng cai tổ chức Olympic 2004 tại Athens vào mùa hè năm 2004. Nhưng nhiều năm sau, vinh quang của sự kiện này bỗng chốc trở thành đề tài nóng bởi nó góp phần làm kiệt quệ nền kinh tế Hy Lạp.
Với chi phí tổ chức lên đến gần 9 tỉ euro (khoảng 11 tỉ USD, tính ở thời điểm hiện nay), Hy Lạp đã làm nên một Olympic tốn kém nhất vào thời điểm đó, chưa kể tiền đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống sân bay và tàu điện ngầm phục vụ sự kiện.
Hào hoa là vậy, nhưng nếu biết rằng tổng chi phí trên đã đội lên gấp đôi so với tổng chi phí dự kiến trước đó, trong đó hơn 7,2 tỉ euro từ chính phủ Hy Lạp, phần còn lại đến từ Ủy ban tổ chức Olympic Athens 2004 (ATHOC), tiền thu về bán vé, bán bản quyền truyền hình, các sản phẩm Olympic và tài trợ.
|
Trong ngày lễ bế mạc Olympic 2004, Hy Lạp cũng đồng thời nhận cảnh báo về con số nợ và thâm hụt đạt mức tồi tệ hơn dự kiến trước khi tổ chức sự kiện. Thâm hụt trong năm 2004 của Hy Lạp ở mức 6,1% tổng sản phẩm trong nước (GDP), hơn gấp đôi giới hạn khu vực đồng euro (eurozone), trong khi nợ công đạt 110,6% GDP, cao nhất trong Liên minh châu Âu.
Con số nợ công này tăng dần theo từng năm vào đạt 165,3% trong năm 2012. Một năm sau, với những con số nợ tồi tệ, Hy Lạp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên bị đặt dưới sự giám sát tài chính của Ủy ban châu Âu.
Hy vọng về một Olympic 2004 trở thành chất xúc tác để cải cách tài chính của Hy Lạp cuối cùng đã phản tác dụng. Sự kiện mặc dù thu hút hàng trăm ngàn du khách đến Hy Lạp và tạo nên một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi Olympic kết thúc, chiếc bánh du lịch của quốc gia này tăng chậm chạp bởi du khách chọn đi đến các quốc gia khác như Croatia hay Thổ Nhĩ Kỳ bởi chi phí thấp hơn và được hưởng các dịch vụ, tiếp thị tốt hơn.
Hầu hết các công trình xây dựng mới với kinh phí lớn để phục vụ Olympic 2004 bị bỏ hoang, ít được sử dụng, một số trở thành đống đổ nát hoặc bãi rác mặc dù chính phủ Hy Lạp tìm mọi cách để bán một số “di sản” Olympic vì không còn cách nào phát triển đem lại lợi nhuận.
|
Theo mô tả của báo giới quốc tế vào năm ngoái, ở phía bắc Athens, nhưng công trình tổ chức bơi lội giờ chỉ là những hồ nước lủng bủng và nơi sống của ếch. Tại phía nam thành phố, những địa điểm tổ chức môn bóng chày ở Olympic 2004 trở thành những bãi cỏ dại, trong khi các công trình gần biển phục vụ môn bóng chuyền bãi biển giờ đôi lúc chỉ để tổ chức những buổi biểu diễn ca nhạc.
Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho môn khúc côn cầu, taekwondo, bóng ném… gần như bị bỏ không và lâu lâu mới tổ chức một sự kiện nhỏ của địa phương, số còn lại được “biến chế” chuyển sang phục vụ cho mục đích không thuộc lĩnh vực thể thao.
Đến nay, Olympic 2004 vẫn là tâm điểm của sự chỉ trích từ người dân Hy Lạp bởi họ phải oằn mình trả nợ cho chi phí quá lớn tổ chức sự kiện này. Hy Lạp giờ đang rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng từ khủng hoảng nợ công và tỉ lệ nghèo đói, thất nghiệp ngày càng tăng cao.
Trong suy thoái kinh tế mà Olympic 2004 được cho là một trong những “tội đồ”, Hy Lạp giờ đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Và câu chào thân thiện quen thuộc của những tình nguyện viên ở Olympic 2004 khi đón du khách đến với sự kiện trên loa phát thanh dường như trở thành một lời tiên tri cho viễn cảnh u ám của Hy Lạp ngày hôm nay: “Hãy tận hưởng đi! Chúng ta sẽ khó được thấy những ngày như vậy một lần nữa”.
Tây Nguyên
Bình luận (0)