Đẳng cấp chuyên cơ

31/01/2016 08:40 GMT+7

Để thỏa mãn nhu cầu của những người bận rộn và nhiều tiền, thị trường chuyên cơ hiện có đến hàng chục chủng loại với nhiều phân khúc khác nhau.

Để thỏa mãn nhu cầu của những người bận rộn và nhiều tiền, thị trường chuyên cơ hiện có đến hàng chục chủng loại với nhiều phân khúc khác nhau.

Chuyên cơ Bombardier Global 5.000 - Ảnh: ExecflyerChuyên cơ Bombardier Global 5.000 - Ảnh: Execflyer
Vừa qua, tạp chí Forbes phiên bản quốc tế đã có bài viết tư vấn toàn diện các loại chuyên cơ phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Theo đó, để chọn cho mình một chuyên cơ phù hợp, các đại gia phải xác định rõ nhu cầu di chuyển của mình. Nhu cầu di chuyển đó gồm có khoảng cách thường di chuyển, số lượng người đi kèm, các tiện nghi mong muốn và quan trọng hơn chính là khả năng ngân sách của người mua, bởi bên cạnh số tiền bỏ ra để mua máy bay, thì chi phí hoạt động của các loại chuyên cơ cũng chênh nhau rất nhiều. Máy bay càng lớn thì chi phí hoạt động càng cao. Ví dụ một chiếc King Air loại nhỏ ngốn khoảng 3.000 USD (hơn 65 triệu đồng) cho mỗi giờ bay thì chuyên cơ phát triển từ dòng Boeing 737 phải ngốn từ 15.000 USD (khoảng 340 triệu đồng). Bởi thế, các chủ nhân của dòng chuyên cơ Boeing 737 Business Jet phải tốn từ 60.000 USD (hơn 1,3 tỉ đồng) cho một chuyến khứ hồi cho quãng đường tương đương TP.HCM đi Singapore. Đó là chưa kể nhiều chi phí đắt đỏ khác. Sau đây là một số dòng chuyên cơ phổ biến.
Chuyên cơ cỡ nhỏ
Đây là dòng máy bay có tầm bay phổ biến dưới 2.000 hải lý (khoảng 3.700 km) và đạt tốc độ bay tối đa khoảng 400 - 500 hải lý/giờ (khoảng 750 - 900 km/giờ), nhưng vận tốc hành trình tất nhiên sẽ thấp hơn. Có thể chở được 6 - 8 người, phân khúc chuyên cơ này được chia thành 2 nhóm nhỏ hơn dựa vào độ rộng của khoang máy bay kèm theo các tiện nghi cần thiết:
Cabin cỡ nhỏ: Loại chuyên cơ này khá phổ biến với các mẫu: Beechjet 400A, Hawker 400XP, CitationJet, Citation CJ1, Citation CJ1+, Citation CJ2, Citation CJ2+, Citation CJ3, Citation Bravo, Citation Ultra, Citation Encore, Citation Encore+, Learjet 31A, Premier I, Premier IA, Nextant 400XTi Phenom 300. Thuộc nhóm này, mẫu Phenom 300 có giá bán mới khoảng 9 triệu USD (200 tỉ đồng) được xem là lựa chọn nổi bật, khi có thể đem đến không gian thoải mái cho 8 người (tính luôn 2 phi công).
Cabin cỡ nhỏ cao cấp: Có các đại diện như: Astra SP, Astra SPX, Citation Excel, Citation XLS, Citation XLS+, Gulfstream G-100, Learjet 40, Learjet 40XR, Learjet 45, Learjet 45XR… Với ưu điểm khoang hành khách rộng hơn dòng cabin cỡ nhỏ, nhiều chuyên cơ thuộc nhóm này thừa sức đem lại sự thoải mái cho 9 hành khách (chưa tính 2 phi công). Nhóm chuyên cơ này tập trung khá nhiều đại diện của các tên tuổi lớn như Gulfstream, Bombardier… với mức giá hơn 10 triệu USD.
Bên trong một chuyên cơ Boeing BBJ được phát triển từ dòng 737 - Ảnh: Airlinereporter
Chuyên cơ cỡ trung
Phần lớn các mẫu máy bay thuộc nhóm này đã đạt tầm bay khoảng 3.000 hải lý (khoảng 5.000 km) chứ không còn giới hạn như các mẫu hạng nhẹ khác, nên đủ sức di chuyển giữa nhiều nước ở châu Âu. Phân khúc này cũng chia thành 2 nhóm:
Cabin cỡ trung: quy tụ một số mẫu như Citation VII, Citation Latitude, Gulfstream G-150, Hawker 750, Hawker 800A, Hawker 800XP, Hawker 850XP, Hawker 900XP, Learjet 60, Learjet 60XR… Nhóm chuyên cơ này tuy có thể chở được tối đa đến 15 khách nhưng thường chỉ thiết kế khoảng 8 chỗ ngồi cho khách nên dễ dàng tích hợp thêm những hệ thống giải trí tối tân, ghế ngồi cũng cực kỳ thoải mái, thậm chí có cả ghế sô pha. Phần lớn các model trong nhóm này đều có giá từ 12 triệu USD trở lên, có chiếc lên đến 20 triệu USD.
Cabin cỡ trung cao cấp: gồm một số mẫu như Challenger 300/350, Citation Latitude, Citation Sovereign, Citation X, Falcon 50, Falcon 50EX, Gulfstream G-200, Hawker 1.000, Hawker 4.000... với nhiều mẫu có mức giá trên 20 triệu USD, dù không ít chiếc đã qua sử dụng có mức giá dưới 10 triệu USD. Tầm bay của nhóm này có thể đạt tới 4.000 hải lý (khoảng 6.000 km).
Chuyên cơ cỡ lớn
Đây là nhóm chuyên cơ đắt nhất và nhiều mẫu được phát triển từ các dòng máy bay đình đám như Boeing 737, Boeing 747… hay thậm chí là Airbus A380 khổng lồ. Tất nhiên, mức giá của phân khúc chuyên cơ này cũng cực đắt, tiêu tốn trên 50 triệu USD hay thậm chí có thể lên đến gần 1 tỉ USD nếu các chủ nhân muốn “trang bị tận răng”. Phân khúc này cũng có 2 nhóm phổ biến:
Cabin cỡ lớn: Đây là những dòng máy bay cỡ lớn nhưng chỉ được phát triển theo định hướng chuyên cơ nên ngay từ thiết kế ban đầu cũng chỉ trang bị chỗ ngồi cho dưới 20 khách, phổ biến là 12 - 14 khách dù kích thước không hề nhỏ. Ưu điểm nổi bật của nhóm này chính là tầm bay có thể lên đến 8.000 hải lý (khoảng 15.000 km) đủ sức bay từ Mỹ qua châu Âu. Các dòng máy bay nổi bật của nhóm này phải kể đến là: Global 5.000, Global Express, Global Express XRS, Gulfstream G-350, Gulfstream G-450, Gulfstream G-500, Gulfstream G-550, Gulfstream G-IV, Falcon 7X…
Chuyên cơ phát triển từ máy bay thương mại cỡ lớn: Đây là nhóm đáp ứng những nhu cầu cao nhất cho những tài phiệt mong muốn tận hưởng những thành tựu hiện đại nhất của ngành hàng không. Những đại diện tiêu biểu của nhóm này là: Airbus A318, Airbus A319, Boeing BBJ, Boeing BBJ2, Boeing BBJ3, Embraer Lineage 1.000... Với kích thước ngoại hạng, chủ nhân của chuyên cơ loại này có thể sở hữu cả phòng ngủ bên trong kèm theo phòng khách, rạp phim... để biến chuyên cơ thành một dinh thự trên không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.