(iHay) Nếu huỳnh đế là “đại ca” của các loài cua thì tôm hùm cũng thuộc vào hàng “anh chị” của các loài tôm. Những năm 60, 70 thế kỷ trước, tôm hùm “chẳng có gì ghê gớm” cả vì những ngư dân làng chài hay xách lủng lẳng mấy con tôm hùm về nhà “luộc chấm muối ớt ăn chơi”. Người lớn thì rủ nhau lai rai với rượu đế. Còn lũ trẻ chúng tôi thường thì cứ vài đứa được cho một con tôm hùm cỡ nửa ký, ngồi tựa gốc dừa trên bãi cát, cũng cụng ly lai rai như ai nhưng mà bằng… nước lạnh.
Giờ thì tôm hùm thuộc dạng danh giá trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng. Tất nhiên tôm hùm đi lên bằng giá trị thực, bằng chất lượng đẳng cấp của mình. Tuy nhiên cũng có nguyên nhân khác: Các đại gia có “quy ước” ngầm rằng vào nhà hàng ni mà không gọi món nớ thì nỏ phải là dân sành ẩm thực.
Cho nên ai nói gì nói, ai làm gì làm, tôm hùm vẫn đủng đỉnh với mức giá rất… “hoàng gia”: Con một ký là một triệu. Và cứ thế “bay” lên. Cũng phải thôi, tiền nào của nấy mà. Tôm hùm có giá trị dinh dưỡng thuộc loại hàng đầu trong bảng phân tích các thành phần năng lượng so với thịt, trứng, cá. Tôm hùm giàu khoáng chất, phong phú lượng can xi, đạt hai tiêu chuẩn “khoái khẩu và rất tốt cho sức khỏe”. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tôm hùm là sự chọn lựa không thể tốt hơn cho bất kỳ chế độ ăn uống nào, từ mục đích lấy lại sức khỏe bị mất sau thời kỳ căng thẳng hay đau ốm hoặc nâng cao sức bền bỉ, dẻo dai, sức đề kháng của cơ thể.
|
Thịt tôm hùm có màu trắng sữa, săn chắc và rất thơm ngon. Sự “biến tấu” của tôm hùm cũng rất đa dạng: Tôm hùm nướng, luộc, hấp bia, nấu cháo… Nhưng có lẽ món nhiều người thích nhất, phổ thông nhất, bất luận “sĩ nông công thương” chính là món gỏi tôm hùm. Ở nhà hàng thì không nói làm gì. Vì chỉ cần kêu món rồi thong thả nhâm nhi chút rượu khai vị ngồi đợi. Còn ở nhà hay bất kỳ không gian ngoài trời nào thì gỏi tôm hùm là món gỏi của sự xúm xít, sự kết nối. Do đó nó cũng là món gỏi có tính “tập thể”, mang lại niềm vui ẩm thực cho từng người.
Một ngày dã ngoại đẹp trời. Bếp dựng lên với ba hòn đá ở ven đường lô xô lau lách. Những con tôm hùm nhiều màu lục, lam, chàm, tím còn đang cựa quậy được cho vào nồi nước đang sôi sình sịch. Nhiệt độ cao làm toàn bộ thân tôm ngả sang màu gạch. Tôm vừa chín tới thì vớt ra, xoắn nhẹ để chia con tôm làm bốn phần: đầu, mình, đuôi và râu ria càng cẳng. Mỗi người một việc. Nhóm ba người dùng que tre mỏng khéo léo lấy từng chút thịt trong các bộ phận con tôm cho ra đĩa. Còn lại, người nhặt rau. Người cắt và rắc chanh vào đĩa gỏi. Nhóm hai người chuẩn bị gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, mắm, muối, đường, mì chính để trộn vào đĩa gỏi sau công đoạn tái chanh. Tất cả làm việc với… tinh thần vì đĩa gỏi tôm hùm đúng chuẩn và đúng chất.
|
Người được cho là sướng nhất nên bị… ganh tị nhất là cô bạn làm nhiệm vụ “vắt chanh bỏ vỏ”. Đùa cho vui vậy thôi chứ vắt chanh mà không đúng liều thử coi. Chanh hơi ít thì miếng gỏi sần sần, thơm ở ngoài nhưng nhạt phía trong. Chanh hơi nhiều thì miếng gỏi nhũn ra, triệt tiêu động tác nhai là không có được. Rất hên là cô nàng đã trổ tài cân đong đo đếm lượng thịt hài hòa cùng lượng chanh nên bữa gỏi tôm hùm hôm đó trời phải… nổi gió để đưa hương.
Gắp nhúm gỏi chấm vào chén xì dầu dầm ớt, thêm chút rau thơm, rau húng, đậu phộng rang và miếng hành tím giòn giòn, miếng gỏi nào cũng đều là “lát cắt” của tổng thể con tôm hùm, cũng đều ngọt thơm, mềm mại và tan chảy những gia vị vừa dìu dịu vừa cay cay. Và không chỉ cay cay, bữa gỏi tôm hùm đẳng cấp ấy còn nồng nàn những ly rượu bạn bè nữa chứ!
Trần Cao Duyên
>> Tự làm gỏi cổ hũ dừa
>> Giòn giòn gỏi tai heo hành tây
>> Gỏi cá lạc: Món ăn 'sung sướng'
>> Mê ly gỏi cá Đà Nẵng
>> Mát lành gỏi dưa hấu
Bình luận (0)