Sâm Ngọc Linh (tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam) không chỉ là thứ “thần dược” chữa trị bá bệnh mà còn mang lại cuộc sống đẳng cấp thật sự cho những người “thuần phục” được nó.
Sâm Ngọc Linh thuộc loại dược liệu quý hiếm trên thế giới nhưng vẫn chưa có “danh phận” xứng đáng. Vùng trồng sâm Ngọc Linh trên độ cao hơn 1.500m - Ảnh: C.T.V
|
Giống sâm tốt nhất thế giới
UBND huyện Nam Trà My vừa hoàn thành đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh để trình Chính phủ thông qua với tổng kinh phí hơn 9.000 tỉ đồng. Một khi đề án được phê duyệt, cây sâm Ngọc Linh sẽ đại diện cho VN sánh ngang với các giống sâm nổi tiếng trên thế giới, mang đẳng cấp quốc tế như nhân sâm của nam Triều Tiên. Nhưng trên hết, đề án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xung quanh ngọn núi Ngọc Linh tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, khi xây dựng đề án này, lãnh đạo của huyện đã tìm hiểu nhiều tài liệu để chứng minh tính khả thi. Qua đó, nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng, Ngọc Linh là loại sâm nằm trong “top” 5 loại sâm trên thế giới. Có thể sánh ngang với sâm Mỹ, Canada, Nga và Hàn Quốc.
|
Tại huyện Nam Trà My, khu vực có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nhất là 3 xã vùng cao: Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang hiện đã hình thành 27 điểm trồng sâm của người dân, với hơn 650.000 cây sâm nhiều độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, UBND huyện Nam Trà My hiện quản lý Trại sâm giống Tắk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh) hơn 20.000 cây sâm giống, có độ tuổi 2 năm. Trại dược liệu Trà Linh (trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) có diện tích hơn 7 ha, với tổng số lượng cây sâm hơn 167.000 cây. Với 10.000 ha có thể trồng được loại sâm này thì diện tích này vẫn còn rất ít ỏi nên thông qua đề án quốc gia đã nêu, chính quyền huyện Nam Trà My đang xúc tiến để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
“Thấy mét vuông đất là thấy tiền”
Vùng trồng sâm ngoài Nam Trà My còn có huyện Đăk Glie và Tu Mơ Rông (Kon Tum) với tổng diện tích khoảng 200 ha. Ai cũng biết sâm Ngọc Linh quý hiếm và đắt tiền nhưng có một nghịch lý là tại huyện vùng cao này, tỷ lệ nghèo vẫn còn rất cao. Theo thống kê, năm 2013, toàn huyện có trên 70% hộ nghèo, đến năm 2014, tỷ lệ này xuống còn hơn 62%. Tuy vậy, Nam Trà My vẫn là “huyện 30a” (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP). Sống trên đất vàng nhưng người dân vẫn cứ nghèo khiến giới chức không khỏi trăn trở. “Có một số hộ dân trồng được hàng ngàn cây sâm, có trong tay cả trăm tỉ đồng nhưng cũng có hộ chưa tiếp cận được với cách thức trồng sâm nên vẫn cứ nghèo. Sâm Ngọc Linh trong 5 năm thì thu hoạch được. Nếu tính trên 1 ha, người trồng sâm thu về trung bình khoảng 30 tỉ đồng. Cứ thấy mét vuông đất là thấy tiền nhưng sao nhiều hộ dân vẫn nghèo…”, ông Bửu nói.
Theo ông Bửu, nhờ thổ nhưỡng và địa hình dốc cao nên cây sâm Ngọc Linh được trồng tại Nam Trà My thường có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn ở những địa phương lân cận. So với cây sâm ở huyện Tu Mơ Rông, cây sâm ở Ngọc Linh lớn nhanh đến 2,5 lần. “Cho nên, trồng hơn 3 năm là có người đã thu hoạch được, kiếm về hàng tỉ đồng. Nếu phát triển được cây sâm ở vùng núi cao thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống trông thấy”, ông Bửu nói thêm, nếu đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua thì thương hiệu sâm Ngọc Linh sẽ không thua kém gì sâm Hàn Quốc. Cũng theo đề án này, từ năm 2016 - 2025 và thời gian trở về sau, VN sẽ đứng thứ 2 về xuất khẩu sâm ra thế giới. Chuyện xóa nghèo theo đó sẽ giảm sâu và tăng nguồn thu từ xuất khẩu cho cả nước.
Hiện trên thế giới có 4 nước sản xuất nhân sâm gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ với sản lượng hơn 88.000 tấn. Thị trường nhân sâm có giá trị ước khoảng hơn 2 tỉ USD, trong đó Hàn Quốc chiếm hơn 1,1 tỉ USD.
Bình luận (0)