Dâng cúng tổ tiên gắn với vận mệnh dân tộc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/04/2018 08:31 GMT+7

Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, Giỗ tổ Hùng Vương chính là dâng cúng tổ tiên gắn với vận mệnh dân tộc.

TS Sơn lý giải, người VN có truyền thống gia đình thờ tổ tiên, làng xóm thờ thành hoàng làng, còn đất nước thờ người khai sinh đất nước. Giỗ tổ Hùng Vương bắt nguồn từ đạo lý uống nước nhớ nguồn. GS Đặng Nghiêm Vạn từng gọi đó là đạo thờ cúng tổ tiên. “Nhưng ý nghĩa sâu xa nhất là tinh thần yêu nước, muốn có một biểu tượng của cả nước. Hùng Vương chính là biểu tượng của cả nước, ông tổ của cả nước để tập hợp và đoàn kết người dân, để tất cả là chung là người Việt. Đoàn kết các dân tộc lại. Đó là ý nghĩa lớn nhất”, ông Sơn nói.
Cũng chính vì ý nghĩa đoàn kết dân tộc, theo ông Sơn, các diễn biến phát triển của việc Giỗ tổ đều gắn với quá trình thống nhất đất nước, củng cố bảo vệ độc lập. Chẳng hạn, thoạt tiên việc Giỗ tổ có trong tín ngưỡng dân gian. Sau đó đến thời Hậu Lê, quy mô của Giỗ tổ cũng phát triển. Đầu thế kỷ 20, triều đình nhà Nguyễn công nhận quốc giỗ, mọi người nghỉ vào ngày 10.3 âm lịch. “Những điều đó biểu hiện, đất nước thống nhất và hùng mạnh thì càng nhớ đến công ơn tổ tiên. Như Bác Hồ nói với đại đoàn quân Tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giỗ tổ mang ý nghĩa thiêng liêng nhất là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Nó cũng là biểu tượng thống nhất của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền”, ông Sơn nói.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Giỗ tổ không chỉ là lễ tết bình thường mà là lễ tết dâng cúng tổ tiên gắn với vận mệnh của dân tộc. Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Vĩ (Khoa Văn học, ĐH KHXH và NV Hà Nội) đánh giá với Giỗ tổ Hùng Vương có thể thấy rõ việc lưu truyền ý chí dân tộc qua hệ thống truyền thuyết được nhân dân sáng tạo trong quá trình xây dựng quốc gia từ giữa thời Đại Việt cho đến nay. “Một hệ thống truyền thuyết có giá trị với bài học dựng nước và giữ nước. Những bài học truyền thống đó đến nay chưa bao giờ cũ. Bài học truyền thuyết chỉ ra chúng ta là một quốc gia độc lập, chúng ta phải xây dựng hạnh phúc của nhân dân, bảo vệ quốc gia độc lập”, ông Vĩ nói.
Còn theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, chính Giỗ tổ, biểu tượng quốc tổ Hùng Vương xuất hiện trên nền vững chắc là ý chí xây dựng độc lập, dựng quốc gia độc lập. Đúng hơn, nó sinh ra vì nhu cầu có một hệ biểu tượng biểu đạt cho ý chí quốc gia, tinh thần quốc gia đó. “Cho nên mới có biểu tượng quốc tổ, mới có biểu tượng Thánh Gióng chống ngoại xâm, Sơn Tinh là biểu tượng của công cuộc chống lũ... Đó là hệ ý thức VN. Nó giúp tạo sức mạnh tinh thần cho cấu kết quốc gia. Từ cái nền thờ cúng tổ tiên đã tiến lên xây dựng biểu tượng thờ cúng quốc tổ là Hùng Vương”, ông Thịnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.