Nay, sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống thì dư luận tập trung chú ý đến các ghế đại biểu ở Quốc hội, đặc biệt là ở Thượng viện, nơi mà đảng Dân chủ đặt mục tiêu chiếm cho được 60 ghế.
Ngăn chặn chiến thuật câu giờ “Filibuster”
Trong Thượng viện Mỹ khóa vừa qua, hai đảng có số phiếu ngang nhau 49/49, nhưng phe Dân chủ được hai thượng nghị sĩ (TNS) độc lập là Joe Lieberman (bang Connecticut) và Bernie Sanders (bang Vermont) hậu thuẫn, nên tạm thời trở thành phe đa số.
Tuy nhiên, với đa số “mong manh” như thế, mỗi khi biểu quyết thông qua dự luật hay nghị quyết nào, phe Dân chủ buộc phải vận động thêm một số nghị sĩ “phản đảng” bên Cộng hòa về với phe mình (cho dù bất cứ cuộc bỏ phiếu nào cũng được cho cử tri biết là nghị sĩ đó bỏ phiếu “YES” hay “NO”).
Chưa kể quy định về luật Filibuster mà phe thiểu số luôn luôn vận dụng theo chiến thuật câu giờ, không cho đưa dự luật ra bỏ phiếu.
Luật Filibuster cho phép bất cứ nghị sĩ nào cũng có quyền lên diễn đàn Thượng viện để nói “thao thao bất tuyệt” mà không ai có quyền ngăn cản. Và thế là các nghị sĩ phe thiểu số, mỗi khi muốn cản trở một dự luật, thì chỉ cần bàn bạc, thay thế nhau chiếm diễn đàn, rồi cứ nói mãi, bất chấp bên dưới có nghe hay không.
Luật Filibuster chỉ được chặn đứng khi có đủ đa số 60 TNS đồng ý. Lúc đó, dự luật hay nghị quyết nào đó sẽ được đưa ra bỏ phiếu. Vì thế, ở Thượng viện, con số 60 ghế là đa số quyết định, đa số đặc biệt (supermajority).
Quyết định ở Georgia và Minnesota
Sau khi kết quả kiểm phiếu ở tiểu bang Alaska kết thúc vào ngày 18.11 vừa qua mà chiến thắng nghiêng về ứng viên đảng Dân chủ Mark Begich, chấm dứt hơn 3 thập niên ngự trị của TNS Cộng hòa Ted Stevens, thì đảng Dân chủ đã giành được 56 ghế, đảng Cộng hòa 40 ghế, 2 ghế độc lập của TNS Lieberman và Sanders nói trên vẫn ngã về phe Dân chủ. Thế nên, hai chiếc ghế TNS còn lại ở tiểu bang Georgia và Minnesota trở thành điểm nóng.
Cuộc đua giành ghế TNS đại diện cho tiểu bang Georgia trở thành cơ hội cuối cùng để đảng Cộng hòa ngăn chặn việc đối thủ là đảng Dân chủ chiếm được đa số quan trọng 60 ghế ở Thượng viện đủ để họ thao túng.
Vì vậy, cả hai đảng đều đã đưa các “khẩu thần công” đến tiểu bang miền đông nam vốn là cứ địa của đảng Cộng hòa để chuẩn bị cho ngày bầu cử vòng 2 sẽ tổ chức vào ngày 2.12 tới đây.
Cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến đây để vận động cho ứng viên Jim Martin của đảng Dân chủ trong cuộc đua với đối thủ là TNS đương nhiệm của đảng Cộng hòa Saxby Chambliss, vốn được hai nhân vật nổi tiếng đến hậu thuẫn là TNS John McCain và cựu Thống đốc Mike Huckabee.
Sở dĩ có cuộc bầu cử vòng 2 là vì trong cuộc bầu cử ngày 4.11 vừa qua, có 3 ứng viên và ứng viên Chambliss đã thắng phiếu sít sao, không vượt quá 50% nên phải bầu lại; và lần này, ai trong 2 ứng viên vào vòng 2 có phiếu cao hơn sẽ được tuyên bố đắc cử. Do dự báo trước là số cử tri sẽ đi bầu không nhiều bằng ngày bầu cử chính 4.11 nên việc vận động cử tri “phe ta” đến phòng phiếu là rất quan trọng.
Trong khi đó, ở tiểu bang Minnesota, Ủy ban Bầu cử đã quyết định triệu tập đội quân những người làm việc trong cuộc bầu cử vừa qua để tiến hành đếm phiếu lại bằng tay.
Cuộc đua giành chiếc ghế ở Thượng viện đại diện cho bang Minnesota có kết quả tạm thời quá khít khao. TNS tái cử của đảng Cộng hòa Coleman chỉ dẫn trước đối thủ đảng Dân chủ là ông Franken có 215 phiếu trong tổng số hơn 2,9 triệu phiếu.
Theo luật lệ hiện hành của Minnesota, nếu cách biệt dưới 0,5% thì sẽ cho tiến hành kiểm phiếu lại bằng tay, và số phiếu cách biệt 215 quy ra chỉ bằng 0,008%, trong khi ông Franken yêu cầu chú trọng đến số phiếu bầu khiếm diện, vốn bị loại khá nhiều vì lý do kỹ thuật.
Thời hạn quy định đếm bằng tay ở Minnesota phải xong vào ngày 5.12, đến lúc đó cũng sẽ có kết quả bầu cử vòng 2 ở Georgia và nếu như cả hai ứng viên đảng Dân chủ đều chiến thắng, thì tân chính phủ đảng Dân chủ của ông Obama sẽ như “diều gặp gió”. Cả hành pháp lẫn lập pháp đều do đảng Dân chủ chiếm đa số, mà tại Thượng viện, là một “đa số đặc biệt” nên phe Cộng hòa đã cảnh báo cử tri Mỹ về một “nguy cơ độc tài”.
Lê Đình Bì
Bình luận (0)