Đang đứng ngã xuống nền nhà, nhập viện phát hiện đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Lê Cầm
Lê Cầm
08/10/2024 10:40 GMT+7

Bà Đ.T.N.M (58 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM) đang đứng thì bất ngờ té ngã xuống nền nhà và bất động, được con gái phát hiện đưa đến bệnh viện cấp cứu.

 Nhồi máu cơ tim ngay sau khi điều trị đột quỵ

Ngày 8.10, thạc sĩ - bác sĩ Trần Tấn Việt, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Xuyên Á cho biết, bà M. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nói đớ kèm với bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường.

Tiếp nhận bệnh nhân tại khoa cấp cứu, bác sĩ đã tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI ghi nhận người bệnh bị nhồi máu não (loại đột quỵ xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não) giai đoạn cấp. Bệnh nhân được đặt ống thở, hội chẩn gấp rút với ê kíp mạch não xác định hút huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh. Sau can thiệp, tình trạng cơ lực cải thiện, tri giác tỉnh, bớt nói đớ và được rút ống thở.

Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân diễn tiến có đau ngực trái, xét nghiệm men tim tăng lên nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp nên được theo dõi tại khoa Can thiệp tim mạch. Tại đây, tình trạng bệnh nhân đau ngực vẫn còn, khó thở tăng dần, mệt, vã mồ hôi, chỉ số SpO2 bắt đầu giảm thấp. Lúc này, các bác sĩ can thiệp mạch vành quyết định tư vấn gia đình đặt ống thở lần 2 và tư vấn gia đình chụp mạch vành cấp cứu.

Ê kíp can thiệp nhanh chóng tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành cho người bệnh. Quá trình can thiệp chụp DSA cho thấy người bệnh bị bệnh mạch vành ba nhánh, hẹp nặng 70% - 80% nhánh bên phải từ đoạn gốc đến đoạn xa, hẹp 80% - 90% cả hai nhánh bên trái. Bệnh nhân được tiến hành đặt hai stent cùng lúc vào 2 nhánh bên trái. Sau can thiệp, tình trạng huyết động bệnh nhân dần ổn định, ngưng được thuốc vận mạch và rút ống thở sau 2 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

Đến hôm nay, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không yếu liệt, không khó thở, không đau ngực, vận động gắng sức tốt và có thể ra viện.

Đang đứng ngã xuống nền nhà, nhập viện phát hiện đột quỵ, nhồi máu cơ tim- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau quá trình can thiệp và chăm sóc tích cực

ẢNH: BSCC

Không nên chủ quan với các dấu hiệu thoáng qua

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Tấn Việt cho biết, đây là một trong những trường hợp ít gặp, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay sau khi điều trị đột quỵ, người bệnh phải đối diện với 2 biến cố khá lớn về não và tim mạch trong cùng một thời điểm điều trị. Đặc biệt, người bệnh có tổn thương mạch máu khá đặc trưng của người bệnh đái tháo đường, đó là tổn thương cả ba nhánh mạch vành, kể cả tổn thương ở những mạch máu nhỏ kèm biến chứng phù phổi cấp. Do đó, ê kíp đã tiến hành can thiệp đồng thời 2 nhánh hẹp nặng nhánh liên thất trước và nhánh động mạch mũ để giải quyết tình trạng tắc nghẽn.

"Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi tổn thương mạch vành gây tắc nghẽn một phần, dẫn đến nhu cầu oxy của tim không được đáp ứng, gây tổn thương cơ tim. Nếu không kịp thời đưa đến bệnh viện điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ đột tử ngoại viện", bác sĩ lưu ý.

Qua đó, bác sĩ Việt khuyến cáo người bệnh khi phát hiện triệu chứng thì nên đi thăm khám sớm. Đôi khi những triệu chứng mệt mỏi, khó thở diễn ra rất mơ hồ, chỉ thoáng qua ở người lớn tuổi, đặc biệt là ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, những người có bệnh lý tim mạch có thể dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, người bệnh cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.