Đăng kiểm hết ùn tắc lại lo... ế

12/07/2023 06:36 GMT+7

Từ ùn tắc, việc đăng kiểm xe cơ giới trong vòng nửa tháng nay chuyển sang ế. Các trung tâm đăng kiểm lại vắng vẻ lạ thường chẳng bù cho tình trạng chờ đợi 2 - 3 ngày mới tới lượt như trước.

Chỉ hoạt động 60% công suất

Sáng 11.7, tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-04V ở P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (TP.HCM) số lượng phương tiện cơ giới đến kiểm định khá thưa thớt. Đoạn đường nối từ TTĐK này đến đường Nguyễn Thị Định trước đây luôn trong tình trạng quá tải, xếp hàng kéo dài thì hiện nay đã thông thoáng, xe cộ ra vào dễ dàng.

Đăng kiểm hết ùn tắc lại lo... ế - Ảnh 1.

Các trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng quá tải, hoạt động chỉ 60% công suất

Q.T

Tại các TTĐK khác trên địa bàn TP.HCM, xe đến kiểm định cũng hết sức thuận lợi, không còn cảnh chờ đợi mệt mỏi như 6 tháng qua. Ông Minh Long, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, phấn khởi nói: "Việc ùn tắc đăng kiểm trong thời gian qua làm doanh nghiệp vận tải mệt mỏi, nhân viên của tôi phải thường xuyên sắp xếp lịch kiểm định trước 1 tháng để đề phòng các trường hợp chờ đợi kéo dài. Tuy nhiên, hiện nay mọi việc đã khác hẳn, đăng kiểm thông thoáng, dễ dàng hơn trước. Hệ thống đăng ký cũng chỉ tiếp nhận xe trước 10 ngày khi hết hạn kiểm định, có đăng ký sớm hơn thì cũng không được. Đây là sự tiến bộ rất lớn và giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp".

Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Thiệt, Giám đốc TTĐK 50-02S, chia sẻ: "Từ sau khi có thông tư mới sửa đổi và giải pháp tự động gia hạn cho các phương tiện cá nhân không kinh doanh, lượng xe có nhu cầu kiểm định đã giảm hẳn. Hiện nay công suất hoạt động của trung tâm chỉ khoảng 2/3, thậm chí có lúc thấp hơn. Thật ra thời điểm tháng 7 này và tháng 8 tới lượng xe đến hạn kiểm định cũng giảm vì tính ngược lại thời gian 2 năm trước (chu kỳ kiểm định xe mới 100%) rơi vào thời điểm dịch Covid-19, do đó lượng xe tăng thêm cũng khá ít". Theo ông Thiệt, mặc dù công suất hoạt động giảm sẽ ảnh hưởng thu nhập của đăng kiểm viên. Tuy nhiên trong thời gian qua họ đã làm việc tăng ca, chịu áp lực lớn nên giai đoạn "ế khách" hiện nay cũng tạo điều kiện cho nhân viên được nghỉ ngơi, hồi phục tinh thần.

Ghi nhận thực tế, các TTĐK trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận đăng ký qua ứng dụng trên điện thoại, hầu hết đều đang trống lịch, người dân có thể dễ dàng đưa xe đến kiểm định bất cứ lúc nào. Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cũng cho thấy hiện tại năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32 - 45%. Trong đó, tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền, năng lực thực tế 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe/ngày, đạt 60% năng lực; tại TP.HCM hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực.


Đăng kiểm hết ùn tắc lại lo dư năng lực

Phân cấp cho địa phương

Đánh giá về tình hình kiểm định hiện nay, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm, cho biết: "Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT cho khoảng 1,4 triệu ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (thuộc nhóm phương tiện có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 đến 20 năm) tiếp tục được sử dụng giấy chứng nhận và tem kiểm định thêm 6 tháng mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại là một giải pháp mấu chốt, quan trọng. Từ đây, các TTĐK có thời gian, tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải và các phương tiện hết hạn nhưng chưa được kiểm định, vừa giải quyết được ùn tắc vừa đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội".

Chuẩn bị phương án tăng phí

Theo kế hoạch, Cục Đăng kiểm VN sẽ rà soát các quy định liên quan cơ chế tài chính, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động kiểm định, góp phần hạn chế phát sinh các tiêu cực trong công tác kiểm định xe cơ giới. Việc tăng phí dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu năm 2024.

Song song với đó, Cục Đăng kiểm cũng tiếp nhận kiểm định viên của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ công tác kiểm định dân sự; điều chuyển đăng kiểm viên từ các đơn vị, địa phương hỗ trợ cho các đơn vị thiếu hụt đăng kiểm viên; huy động toàn bộ đăng kiểm viên, cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị đăng kiểm làm thêm giờ, làm cả các ngày nghỉ, ngày lễ; xây dựng phần mềm đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định cho chủ xe. Thay vì tự phát đi đăng kiểm như trước đây, người dân đã hình thành thói quen đăng ký hẹn lịch kiểm định thông qua hệ thống đăng kiểm của Cục Đăng kiểm VN; Chủ động tự kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm. Điều này giúp lĩnh vực đăng kiểm chủ động sắp xếp công việc và là những thói quen tốt đảm bảo cho công tác đăng kiểm hoạt động khoa học hơn.

Đến nay gần 90% đơn vị đăng kiểm đã hoạt động trở lại, hầu hết TTĐK đã không còn tình trạng ùn tắc. Ông Nguyễn Chiến Thắng thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, thời gian tới, Cục Đăng kiểm VN tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm và khẩn trương, kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí.

Đề án "Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm" cũng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý trong hoạt động đăng kiểm phương tiện. Các TTĐK của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định ô tô tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.