Đang kinh doanh thuận lợi, 'đùng một cái' bị… lấy lại mặt bằng

Thanh Nam
Thanh Nam
14/03/2024 16:56 GMT+7

Nhiều người trẻ kinh doanh ta thán bị lấy lại mặt bằng một cách vô cớ. Để rồi dù đang kinh doanh "ăn nên làm ra" nhưng buộc phải rời đi trong bức xúc.

"Tuần sau lấy lại mặt bằng nha em!"

Chị Nguyễn Thị Anh Thi (31 tuổi), quản lý một thương hiệu bán nước mía muối khá nổi tiếng ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, than thở việc đang phải "chạy đôn chạy đáo" tìm mặt bằng để dời điểm kinh doanh.

Theo chị Thi, cách đây vài ngày đã bàng hoàng khi nghe chủ cho thuê mặt bằng trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP.Thủ Đức, TP.HCM, nói "tuần sau lấy lại mặt bằng nha em!". Dù nỗ lực thương lượng, thậm chí đề xuất giá thuê cao hơn để được tiếp tục kinh doanh tại địa điểm vốn dĩ quen thuộc với giới trẻ ở TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung, nhưng chị Thi ta thán: "Lực bất tòng tâm".

Chị Thi kể thêm: "Tôi sai lầm khi thuê không đọc kỹ những điều, khoản trong hợp đồng. Để rồi giờ bị lấy lại mặt bằng, phải chấp nhận dọn, chuyển đi nơi khác".

Đang kinh doanh thuận lợi, 'đùng một cái' bị… lấy lại mặt bằng- Ảnh 1.

Nhiều chủ kinh doanh cho biết đang buôn bán đắt khách thì bỗng dưng bị lấy lại mặt bằng khiến họ thất thần

THANH NAM

Anh Đặng Hữu Quang (35 tuổi), kinh doanh quán cà phê nhạc acoustic O.S.C. khá nổi tiếng tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cũng rầu rĩ cho biết sau hơn chục năm làm ăn, thu hút đông khách tìm đến thưởng thức âm nhạc, giờ đây phải chuyển sang địa chỉ mới.

Anh Quang nói: "Vào cuối tháng 2, chủ nhà nói muốn lấy lại mặt bằng, không đồng ý cho thuê nữa. Tôi nghe mà chưng hửng. Dù đưa ra rất nhiều lý do, thậm chí năn nỉ để được tiếp tục thuê nhưng chủ nhà không đồng ý".

Cuối cùng, anh Quang phải rời đi. "Tên thương hiệu vẫn còn. Nhưng vì chuyển chỗ nên chưa nhận được sự ủng hộ nhiều của khách như trước đây. Tôi tiếc và cảm thấy rất buồn", anh Quang tâm sự.

Những câu chuyện như anh Quang, chị Thi không hề ít. Ngược lại, theo chia sẻ của những người trẻ kinh doanh, vấn đề bị lấy lại mặt bằng khi đang buôn bán khá phổ biến. Để rồi họ cảm thấy bất lực khi không phải buôn bán ế ẩm "tháo chạy" mà dẫu đang kinh doanh thuận lợi, "ăn nên làm ra" nhưng bị lấy lại mặt bằng.

Anh Trương Công Hậu (32 tuổi), cho biết mở quán cà phê H.H.N. trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM được gần hai năm. "Đùng một cái", sau tết 2024, chủ nhà nói không cho thuê nữa. Điều này khiến anh Hậu ngẩn ngơ.

Cảm thấy "không phục" vì bị lấy lại mặt bằng một cách vô cớ, anh Hậu thắc mắc thì được trả lời: "Đừng hỏi vòng vo. Đừng nói nhiều. Không cho thuê là không cho thuê".

Trường hợp khác, vợ chồng chị Hồ Thị Nguyên Nhung (34 tuổi) thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, để mở tiệm giặt ủi. Sau nửa năm đã bị chủ cho thuê yêu cầu phải dời đi. "Tôi nghe mà chưng hửng, thất thần", chị Nhung kể.

Đang kinh doanh thuận lợi, 'đùng một cái' bị… lấy lại mặt bằng- Ảnh 2.

Khi thuê mặt bằng, cần phải làm hợp đồng kỹ lưỡng, cẩn thận, đọc chi tiết các điều khoản để hạn chế tranh chấp

THANH NAM

Hạn chế tranh chấp, lưu ý những điều này...

Luật sư Nguyễn Hữu Phước, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng khi thuê mặt bằng để kinh doanh cần cẩn thận. Bởi đã có nhiều sự việc tranh chấp về mặt bằng từ người thuê và người cho thuê: bị phá vỡ hợp đồng mà không được bồi thường thiệt hại, đang buôn bán đông khách thì bị lấy lại mặt bằng… Thậm chí có trường hợp, chủ nhà lấy lại mặt bằng đang kinh doanh ăn uống, cà phê, trà sữa… và sau đó tự họ (hoặc cho người khác thuê) cũng buôn bán mặt hàng, sản phẩm y chang.

Luật sư Phước lưu ý: "Phải làm hợp đồng chi tiết, chặt chẽ, đọc các điều khoản, quyền, nghĩa vụ thật kỹ lưỡng. Khi không hiểu phải hỏi lại. Cần đem công chứng hợp đồng thuê mặt bằng. Để khi có xảy ra tranh chấp thì hợp đồng đã được công chứng sẽ có giá trị pháp lý tốt hơn".

Cũng theo luật sư này, người thuê mặt bằng để kinh doanh thường phớt lờ, bỏ ngỏ đến những khía cạnh như: hiện trạng mặt bằng, tài sản, trang thiết bị hiện có của mặt bằng cho thuê... Đây là điều khoản mà người thuê chủ quan, không chú trọng đến. Nhưng trong thực tế, đó lại là những khía cạnh dễ dẫn đến tranh chấp.

"Vì thế, cần đưa vào hợp đồng thuê mặt bằng những điều khoản như: quyền và nghĩa vụ giữa các bên, tiền đặt cọc, quy định về phạt vi phạm hợp đồng, giá thuê và chi phí liên quan, điều khoản lạm phát trong hợp đồng… nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi, hạn chế tranh chấp phát sinh về sau. Với những hợp đồng thuê mặt bằng giá trị cao, có thể nhờ người hiểu luật tư vấn, hướng dẫn", luật sư Phước nói.

Đang kinh doanh thuận lợi, 'đùng một cái' bị… lấy lại mặt bằng- Ảnh 3.

Cần công chứng hợp đồng thuê mặt bằng để có giá trị pháp lý khi xảy ra tranh chấp

THANH NAM

Trong trường hợp đang kinh doanh thuận lợi, hợp đồng thuê mặt bằng còn hiệu lực nhưng bị chủ tự ý lấy lại thì cần làm gì?

Luật sư Phước cho biết khi lấy lại mặt bằng trái luật, bên cho thuê phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê. Nếu không thể thương lượng, thỏa thuận về cách giải quyết thì người thuê có thể khởi kiện người cho thuê để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.