Những lưu ý quan trọng xung quanh việc đăng ký này được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 3.5.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
NHỮNG MỤC QUAN TRỌNG TRONG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI
Việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT có vai trò vô cùng quan trọng, bởi kỳ thi này không chỉ phục vụ việc xét công nhận tốt nghiệp mà còn liên quan trực tiếp đến việc tham gia xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH, thí sinh (TS) cần lưu ý thực hiện đúng các bước.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, TS thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đến 17 giờ ngày 10.5. TS cần đăng nhập Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT để đổi mật khẩu và thực hiện các bước: đăng ký các thông tin cá nhân, đăng ký môn/bài thi tự chọn... Trong quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp, TS phải chọn các môn/bài thi để phục vụ cho việc xét tuyển vào ĐH-CĐ sau này. Do đó, TS cần cân nhắc giữa môn học thế mạnh của bản thân để đăng ký bài thi tự chọn phù hợp với môn theo tổ hợp xét tuyển của ngành học mong muốn xét tuyển.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về các bước đăng ký. "Lời khuyên cho học sinh là không nên tự thực hiện tại nhà mà nên thực hiện với sự hỗ trợ của thầy cô để đảm bảo sự chính xác", thạc sĩ Tư nói.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT có 27 mục. Tuy nhiên, tùy nhóm TS khác nhau sẽ thực hiện việc khai và chọn các mục khác nhau". Để thực hiện tốt việc đăng ký, thạc sĩ Phương cho rằng TS nên biết mình đang thuộc diện nào, có được hưởng ưu tiên không, các minh chứng kèm theo cần chuẩn bị để tải lên hệ thống là gì.
"TS tham gia xét tuyển nên quan tâm kỹ phần C trong thông tin đăng ký gồm: thông tin xét tuyển, chọn đối tượng và khu vực, năm tốt nghiệp, các minh chứng kèm theo… Đặc biệt, mục số 9 sẽ hỏi TS có muốn tham gia xét tuyển không, TS cần cân nhắc kỹ khi quyết định mục này", thạc sĩ Phương nhấn mạnh.
Riêng với TS tự do, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý thêm: "TS tự do đã tốt nghiệp THPT các năm trước, muốn dự thi để xét tuyển năm nay sẽ làm hồ sơ trực tiếp tại các điểm do sở GD-ĐT quy định dành cho TS tự do".
THÍ SINH NÊN CHỌN BÀI THI TỔ HỢP NÀO ?
Trong nhiều nội dung cần khai khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, một nội dung quan trọng TS cần cân nhắc là các môn/bài thi. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết theo quy chế năm nay, học sinh chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT phải chọn đủ 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội và nhân văn). TS chương trình giáo dục thường xuyên chọn 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Trong khi đó, TS tự do chỉ thi để xét tuyển ĐH có thể đăng ký các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp.
Trong các bài thi, ngoại ngữ là bài thi đặc biệt khi TS có nhiều lựa chọn khác nhau. Thạc sĩ Cao Quảng Tư thông tin TS có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT được miễn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. TS cần lưu ý chứng chỉ ngoại ngữ phải có hạn sử dụng đến ngày 26.6.2024. Thạc sĩ Tư cho hay: "Quy định này rất thuận lợi cho TS. Tuy nhiên, TS lưu ý cần đăng ký dự thi nếu muốn sử dụng điểm môn ngoại ngữ để xét tuyển ĐH bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, do nhiều trường ĐH không sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào".
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cũng lưu ý TS không được phép chọn cả 2 bài thi tổ hợp. Do đó, theo thạc sĩ Phương, TS cần xem tham gia kỳ thi với mục đích gì để quyết định bài thi phù hợp. "Với TS đã trúng tuyển đúng nguyện vọng mong muốn bằng xét tuyển sớm thì có thể lựa chọn bài thi vừa sức, phù hợp để hoàn thành tốt nhất mục tiêu tốt nghiệp. Nhưng với TS sử dụng kỳ thi này vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển thì phải cân đong đo đếm việc chọn bài thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển ngành mong muốn xét tuyển", thạc sĩ Phương phân tích.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Ngọc Phương: "Hiện nay cách thức tuyển sinh của các trường ĐH khá "cởi mở" về tổ hợp xét tuyển. Trong đó, nhiều phương thức không theo tổ hợp xét tuyển như: kỳ thi đánh giá năng lực, điểm trung bình học tập THPT… Thậm chí tổ hợp xét tuyển nhiều ngành hiện có sự kết hợp, đan xen cả tự nhiên và xã hội".
Trong một số trường hợp đặc biệt, thạc sĩ Trương Quang Trị cho rằng TS cần lưu ý việc chọn bài thi nếu muốn xét tuyển vào các trường ĐH có sử dụng phương thức xét tuyển theo tổ hợp môn. Ví dụ, ngành y khoa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện chỉ xét tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh). "TS cần phải chọn môn học theo sở trường, thế mạnh của bản thân vì kết quả này không chỉ phục vụ xét tốt nghiệp, tăng cơ hội trúng tuyển ĐH mà quan trọng hơn còn trong quá trình làm nghề sau này. Nếu chọn một tổ hợp môn không phải thế mạnh của bản thân thì điều đó là đáng lo", thạc sĩ Trị khuyên.
Dựa trên năng lực và sở trường
Với sự đa dạng phương thức xét tuyển, hiện nay TS có nhiều ngưỡng cửa bước vào giảng đường ĐH. Nhưng khó nhất với người học và phụ huynh hiện nay là lựa chọn một ngành nghề để theo đuổi, học tập, có việc làm và thăng tiến trong tương lai. Để tìm được một ngành nghề như vậy, trước hết TS cần phải tìm hiểu lựa chọn dựa trên năng lực và sở trường của mình; quan tâm tới xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong thị trường lao động tương lai…
Thạc sĩ PHẠM DOÃN NGUYÊN
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM)
Cân nhắc kỹ
Có nhiều quan điểm cho rằng tuổi trẻ được sai và làm lại nên có những người chọn ngành thiếu sự đầu tư. Tôi nghĩ chọn ngành không nên như vậy vì một lần làm sai mất nhiều thứ, trong đó có sự kỳ vọng của người thân với mình.
Thạc sĩ
NGUYỄN TRẦN NGỌC PHƯƠNG
(Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Xuất phát từ ước mơ của mình
Các bạn có quyền ước mơ nhưng hãy chọn ước mơ thật của mình, xuất phát từ nguồn lực tốt thì thành công sẽ đến trong tương lai. Cụ thể, việc chọn ngành học cần xuất phát từ ước mơ của chính mình, không phải từ người khác.
Thạc sĩ TRƯƠNG QUANG TRỊ
(Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)
Bình luận (0)