Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được không?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
29/08/2023 13:19 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên hỏi về việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi có được không, thủ tục thực hiện thế nào?

Luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ vào khoản 1 điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và khoản 2 điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi thì người phát hiện phải lập tức báo ngay cho UBND cấp xã hoặc công an xã nơi trẻ bị bỏ rơi biết. Nếu trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì thủ trưởng đơn vị đó phải có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã hoặc công an xã.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trẻ bị bỏ rơi thì chủ tịch UBND cấp xã hoặc trưởng công an xã phải lập biên bản việc trẻ bị bỏ rơi và giao trẻ cho tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời. Sau đó, UBND xã mới tiến hành niêm yết tại trụ sở trong thời gian 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi 

Luật sư Trang cho biết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em diễn ra bình thường, đúng quy định pháp luật. Cụ thể, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện căn cứ vào khoản 3 điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được không? - Ảnh 1.

Một bé sơ sinh bị bỏ rơi ở TP.HCM hồi 7.2023

Cơ quan chức năng cung cấp

Cụ thể, nếu sau 7 ngày liên tục niêm yết thông tin về trẻ bị bỏ rơi tại trụ sở UBND cấp xã mà không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ thì UBND cấp xã phải thông báo cho tổ chức, cá nhân đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi đó.

Nếu trong trường hợp không có cơ sở xác định ngày, tháng sinh và nơi sinh của trẻ bị bỏ rơi thì sẽ xác định theo ngày tháng và nơi phát hiện ra trẻ bị bỏ rơi. Xác định năm sinh của trẻ theo thể trạng, quốc tịch của trẻ bị bỏ rơi sẽ là quốc tịch Việt Nam.

Về thông tin đăng ký khai sinh của trẻ bị bỏ rơi, luật sư Trang cho biết căn cứ vào điều 14 luật Hộ tịch. Cụ thể, sẽ gồm thông tin của người được đăng ký khai sinh như: họ, chữ đệm và tên; giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch. Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh gồm: họ, chữ đệm và tên, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú. Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Tại phần thông tin của cha, mẹ thì sẽ để trống và ghi là "trẻ bị bỏ rơi".

Theo quy định của pháp luật, nếu có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ tư pháp hộ tịch căn cứ vào quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của con nuôi. Trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi". Còn nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

Nếu trẻ bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh thì cán bộ tư pháp ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 1, tháng 1 của năm đó. Họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi".

Về thủ tục, hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi tại UBND cấp xã gồm: một bộ tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định); biên bản về việc phát hiện trẻ em bị bỏ rơi; văn bản xác định kết quả thông báo trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ hết thời hạn 30 ngày.

Luật sư Trang cho biết, ngay trong ngày làm việc sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ của ngày đó thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.