Đảng là đạo đức, là văn minh

TS Trần Thị Kim Ninh
(Học viện Chính trị khu vực II)
09/02/2023 07:51 GMT+7

Năm 1960, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự hào khẳng định: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" (1).

Năm 2023, Đảng đã hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam với những thắng lợi vĩ đại, mặc dù cũng có những lúc thăng trầm của lịch sử, nhưng Đảng luôn tỏ rõ là một tổ chức chính trị chân chính, trung thành, quang minh, chính đại, đấu tranh vì công lý và chính nghĩa, phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Ngay ở thời điểm Đảng được thành lập (ngày 3.2.1930), với đường lối lãnh đạo đúng đắn, giải quyết được yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam, nói lên tiếng lòng của những "người dân cùng khổ", Đảng đã được nhân dân Việt Nam thừa nhận là Đảng lãnh đạo, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân để hướng tới mục tiêu đánh đuổi thực dân đế quốc, giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, trước thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ở Việt Nam, nhiều đảng phái chính trị ra đời, nhưng đều bất lực trước đòi hỏi khách quan của dân tộc.

Đảng là đạo đức, là văn minh - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 5.1.1960

Tư Liệu

Trong 15 năm đầu (1930 - 1945), bao lần Đảng bị thực dân Pháp vây ráp, khủng bố trắng, hàng nghìn đảng viên của Đảng bị tù đầy, chém giết, hàng vạn đồng bào bảo vệ Đảng bị bắt bớ, lưu đầy. Nhưng Đảng vẫn giữ vững bản lĩnh, xứng đáng là người "cầm lái", người "dẫn đường" để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn. Tổng Bí thư của Đảng - đồng chí Trần Phú khi bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn dã man, nhưng vẫn khẳng định tấm lòng trung kiên với Đảng. Khi trút hơi thở cuối cùng, mới chỉ 27 tuổi, đồng chí đã gửi lời nhắn bất hủ "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" - đó là bản lĩnh của những người con ưu tú của dân tộc; là biểu tượng về lý tưởng và đạo đức cách mạng. Có thể nói, lịch sử của Đảng 15 năm đầu được viết bằng máu đào của đảng viên, chiến sĩ, đồng bào trong cuộc đấu tranh song trùng: Giữa Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến bán nước của chúng và giữa các đảng chính trị Việt Nam trong việc giành vị thế cầm quyền đất nước... Tất cả được thử thách qua sự sàng lọc, lựa chọn và đào thải của lịch sử.

Kết quả của 15 năm (1930 - 1945), Đảng đã thành công trong việc lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, lập nên chế độ chính trị mới. Tiếp tục 30 năm (1945 - 1975), Đảng lãnh đạo toàn dân đứng lên giải phóng đất nước và thống nhất đất nước. Với sự lãnh đạo đúng đắn của mình, Đảng là một tổ chức chính trị tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh, danh dự, lương tâm của dân tộc Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu độc lập, tự do. Sinh ra trong lòng dân tộc và đồng hành cùng dân tộc bẻ gãy gông xiềng nô lệ quàng lên cổ đất nước, giành lại độc lập cho Tổ quốc, lập nên chính quyền của nhân dân và Đảng chính danh trở thành Đảng cầm quyền. Điều đó làm nên địa vị lịch sử một cách tự nhiên và địa vị pháp lý của Đảng một cách tất yếu.

Sau khi thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng một xã hội mới. Một đất nước đã được đổi mới về mọi mặt, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến hành "một cuộc chiến đấu khổng lồ… chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi" (2). Nhân dân Việt Nam xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, theo sự chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một xã hội như vậy chính là khát vọng cháy bỏng của toàn dân để phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 Việt Nam trở thành một nước hùng cường sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.

Giai đoạn hiện nay, với vị thế, vai trò duy nhất vừa là Đảng lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền, trọng trách của Đảng là tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng phải giữ vững bản chất "là đạo đức, là văn minh"; đường lối của Đảng phải vì dân, hướng tới sự an dân. Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu lên một bước mới, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay, bởi cuộc sống luôn không ngừng vận động. Vì vậy, giai đoạn hiện nay, mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng phải viết tiếp những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc bằng bản lĩnh, trí tuệ, đức tính kiên trung của mình.

Trước đây, trong các văn kiện của Đảng thường đề cập đến đội ngũ cán bộ "3 dám" là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì đến Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những đột phá là nhấn mạnh đến xây dựng đội ngũ cán bộ phải "6 dám": Đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu. Đây là một điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá, quyết liệt hành động vì lợi ích chung.

Hiện nay, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong tiến trình đổi mới, khó tránh khỏi những vấn đề bất cập của cơ chế chính sách, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống chính sách pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, đất nước muốn phát triển, cần có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân; đặc biệt, cần có những đột phá nắm bắt thời cơ để tạo nên những bước phát triển cho sự nghiệp chung của cách mạng. Thực tiễn cho thấy, nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm đã dần mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong quá trình đổi mới đất nước.

Để đáp ứng được yêu cầu đó, cần lắm một năng lực hoạt động thực tế, nói đi đôi với làm, "xắn tay áo làm đi" (3) như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là yêu cầu từ tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi Đảng tiếp tục kích hoạt, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường. t

(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.404. Trong hơn 90 năm hoạt động, Đảng ta mang nhiều tên.

Bài viết này xin được nêu chung một tên: Đảng Cộng sản Việt Nam.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.617.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.77.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.